“Con nuôi” Việt của Chủ tịch Fidel và kỉ niệm về người cha đặc biệt

( PHUNUTODAY ) - Đại sứ Nguyễn Đình Bin được biết đến với biệt danh “con nuôi của Fidel” bởi ông có vinh dự là người phiên dịch cho lãnh tụ của đất nước Cuba trong nhiều lần làm việc với Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Đình Bin, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài là một nhà ngoại giao được biết đến với biệt danh “con nuôi của Fidel” bởi ông có vinh dự là người phiên dịch cho lãnh tụ của đất nước Cuba trong nhiều lần làm việc với Việt Nam.

PV báo Người Đưa Tin đã có dịp trò chuyện với Đại sứ Nguyễn Đình Bin cách đây không lâu và nghe ông chia sẻ những kỷ niệm về người cha đặc biệt của mình. Hôm nay, chúng tôi xin đăng tải lại bài phỏng vấn như một nén hương thành kính dâng lên vị Chủ tịch đáng kính của nhân dân Cuba và nhân dân toàn thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa Chủ tịch Fidel Castro đi thăm Bảo tàng Quân sự Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin đứng thứ ba hàng đầu từ trái sang).

Thực sự, tôi cảm thấy rất vinh hạnh. Điều đó gắn với một đặc ân của đời tôi trong suốt chặng đường gần 40 năm. Từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học La Habana (Cuba), đến khi làm việc trong ngành ngoại giao, tôi đã nhiều lần được gặp, gần gũi và nhờ đó quen biết vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba, người bạn lớn, rất thân thiết của Việt Nam – Chủ tịch Fidel Castro. Tôi được phiên dịch cho ông trong các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, hội đàm với Đại sứ nước ta tại Cuba cũng như với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.

Chắc hẳn ông nhớ rất rõ thời khắc đầu tiên ông phiên dịch cho vị lãnh tụ của nhân dân Cuba?

Tôi nhớ, lần đầu tiên khi Chủ tịch Fidel đến dự chiêu đãi Quốc khánh 2/9/1965 của Đại sứ quán nước ta tại La Habana, giữa lúc cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống Mỹ xâm lược đang diễn ra quyết liệt. Những ấn tượng đầu tiên về Chủ tịch Fidel Castro trong cuộc gặp gỡ ấy đã khắc sâu trong tâm khảm tôi.

Chủ tịch Fidel thật gần gũi, thân tình, đặc biệt yêu mến Việt Nam. Ông hỏi cụ thể tình hình cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở miền Nam cũng như chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc khi đó. Và lần cuối tôi được gặp ông là dịp Chủ tịch thăm nước ta lần thứ ba, tháng 2/2003.

Tôi nghĩ, câu chuyện này cũng là biểu hiện cụ thể, sinh động của mối tình đoàn kết, hữu nghị thắm thiết, trong sáng, mẫu mực Việt Nam-Cuba đã được xây dựng và không ngừng phát triển, trải qua bao sự kiện, thử thách mà nhân dân hai nước vừa vui mừng kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (02/12/1960- 02/12/2015).

Là một nhà ngoại giao lão thành, chắc hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm với Chủ tịch Fidel Castro?

Mỗi lần được dịch cho Chủ tịch Fidel Castro đều để lại cho tôi những kỷ niệm sâu đậm. Tôi đặc biệt nhớ giây phút xúc động khi nghe Fidel tuyên bố: “Vì Việt Nam, nhân dân Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”.

Đó là ngày 2/1/1966, Chủ tịch Fidel phát biểu tại cuộc mít tinh khổng lồ của 30 vạn quần chúng ở quảng trường cách mạng José Marti (La Habana) để chào mừng kỷ niệm Quốc khánh Cuba và Hội nghị lần thứ nhất đoàn kết ba châu Á, Phi, Mỹ La tinh tổ chức ở La Habana. Khi đó, tôi dịch cho đoàn đại biểu nước ta tham dự hai sự kiện này.

Trong hai nhiệm kỳ tôi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Cuba, trong những năm 60 và 70 thế kỷ trước, Chủ tịch Fidel đã đến Đại sứ quán ta nhiều lần. Ngoài lần đầu tiên kể trên, tôi đặc biệt nhớ hai lần khác.

Đó là khi được tin Bác Hồ mất ngày 03/9/1969, Fidel đã đến viếng Bác, gương mặt thật sự đau buồn và xúc động. Ông ngồi lại rất lâu để hỏi chuyện về Bác Hồ, tiếc nuối vì chưa được gặp Bác.

Lần khác, vào chiều tối ngày 30/4/1975, ngay sau khi nghe tin chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Fidel đã đến ngay Đại sứ quán nước ta để chúc mừng. Ông ôm hôn thật nồng nhiệt, hồ hởi Đại sứ Hà Văn Lâu và tất cả cán bộ Đại sứ quán có mặt, như trong một gia đình chứ không theo nghi thức ngoại giao.

Ông đặc biệt vui mừng và khẳng định: đây không chỉ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam, mà cũng là thắng lợi của nhân dân Cuba và toàn thế giới. Ông nói người cán bộ bảo vệ đưa ra một chai rượu Rhum đặc biệt của Cuba đã được cất giữ 70 năm, yêu cầu mọi người không được bật lửa hút thuốc, rồi cho khui rượu để chúc mừng.

Khoảnh khắc thân tình tự nhiên giữa Chủ tịch Fidel Castro với Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin. 

Ông có thể chia sẻ điều ông nhớ nhất về vị lãnh tụ của nhân dân Cuba anh em?

Ấn tượng nhất và để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm nhất trong tôi là chuyến thăm nước ta lần đầu tiên của Chủ tịch Fidel Castro sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết.

Ngày 12/9/1973, Chủ tịch Fidel Castro đến Việt Nam. Ra đón Chủ tịch tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) có các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta: Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Hai bên đường, hàng vạn đồng bào tay cầm cờ hoa đón chào Chủ tịch. Tiếng hô vang: "Viva Cuba! Viva Fidel!" không ngớt.

Điều đặc biệt là trong chuyến thăm đó, Chủ tịch Fidel nhất quyết yêu cầu được đi thăm "thủ phủ" của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị, mặc dù lãnh đạo ta tỏ ý ngần ngại vì lý do an toàn.

Chủ tịch Fidel đã trở thành vị Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Đứng trên đồi 241 còn đầy chiến tích, dáng vóc uy nghi, sừng sững giữa các chiến sĩ giải phóng quây quần xung quanh, Fidel đã phất cao lá cờ bách chiến bách thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, dọng dõng dạc:” Các đồng chí hãy đem lá cờ vinh quang này cắm giữa Sài Gòn!”.

Chuyến thăm và lời nói lịch sử đó của Chủ tịch Fidel Castro đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta tiến tới thắng lợi hoàn toàn mùa xuân 1975. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đi với Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm cấp Nhà nước lịch sử này.

Vị lãnh tụ nhân hậu, giản dị và quần chúng

Đó dường như là một chuyến thăm lịch sử, giúp người dân Việt Nam hiểu hơn về tấm lòng bác ái, bao la của vị lãnh tụ đất nước cách chúng ta nửa vòng trái đất?

Tôi cũng đặc biệt nhớ giây phút xúc động khi Fidel phát biểu tại buổi chiêu đãi kết thúc chuyến thăm: “Chúng tôi đến thăm đất nước anh hùng này với sự khâm phục lớn đối với nhân dân Việt Nam. Và chúng tôi ra về cùng với sự khâm phục còn lớn hơn. Chúng tôi được cổ vũ bởi thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam, bởi tấm gương tuyệt vời của nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi chỉ có một nỗi đau là đã không đến Việt Nam trước ngày 3/9/1969, đã không có đặc ân được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng tôi vô cùng kính phục. Nhưng chúng tôi đã được bù đắp bởi được gặp và trực tiếp tìm hiểu về nhân dân Việt Nam, qua đó thấy rõ sự nghiệp của Người, những lời chỉ bảo và giáo huấn của Người, công sức của Người, tấm gương của Người, ý chí anh hùng của Người, đức khiêm tốn của Người đã được phản chiếu trong nhân dân Việt Nam”.

Trong chuyến thăm lịch sử này Chủ tịch Fidel Castro đã quyết định tặng nhân dân ta 5 công trình rất giá trị là khách sạn Thắng lợi ở Hồ Tây, trại bò giống ở Ba Vì, trại gà giống ở Tam Đảo, đường Xuân Mai và bệnh viện đa khoa ở Đồng Hới, Quảng Bình. Ngoài ra, Fidel còn tặng một khoản ngoại tệ quý để ta mua thiết bị hiện đại của nước ngoài nâng cấp đường Hồ Chí Minh, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975.

Lãnh sứ mệnh phiên dịch cho vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba, chính khách nổi tiếng thế giới, ông có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Chủ tịch Fidel Castro nổi tiếng thế giới là một nhà hùng biện tài ba, có trí nhớ siêu phàm. Ông thường phát biểu liên tục hai, ba, bốn… giờ liền, đề cập đến mọi đề tài mà không hề có văn bản chuẩn bị trước. Nên dịch cho Chủ tịch tôi đã phải tập trung tư tưởng cao độ, ghi nhớ tốt và đương nhiên phải nắm vững ngôn ngữ. Khó nhất là những khi dịch đồng thời, phải rất nhạy cảm, nắm bắt những ý, những từ chính để kịp thời hiểu nội dung câu nói.

Là người được vinh dự gắn với biệt danh “con nuôi của Fidel”, ông có thể chia sẻ cảm nhận riêng của ông về người cha đặc biệt của mình?

Trong tâm khảm tôi, Chủ tịch Fidel Castro là một vĩ nhân của thế giới. Fidel không chỉ là Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba, là một người bạn lớn, rất thân thiết của Việt Nam mà còn là một nhà cách mạng, một chiến sĩ quốc tế kiệt xuất, uyên bác, hào sảng, nghĩa hiệp, đã phấn đấu suốt đời cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Cuba và cho lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, bình đẳng và bác ái trên thế giới.

Chủ tịch Fidel cũng là người rất nhân hậu, rất giản dị, rất quần chúng. Điều này đã được minh chứng rất rõ trong tình hữu nghị, sự ủng hộ, tình đoàn kết quốc tế hết sức trong sáng, khảng khái của Fidel và Cuba đối với Việt Nam cũng như nhiều dân tộc anh em khác ở châu Phi và Mỹ La Tinh.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa!

Tác giả: Thạch Thảo