Chiều 15/7, Công an TP. Đà Nẵng vừa phát đi cảnh báo về thủ đoạn mạo danh nhân viên tổng đài ngân hàng để gọi điện, mời người dân phát hành thẻ tín dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng, liên hệ qua điện thoại, tin nhắn (SMS, Zalo, Messenger…) để thuyết phục khách hàng mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc đăng ký phát hành thẻ tín dụng.
Một số số điện thoại được phản ánh có hành vi lừa đảo gồm 0236.688.8766, 0248.886.0469, 0288.886.5154, 0245.555.7665…
Khi thấy người dân đã sập bẫy, chúng sẽ yêu cầu người dân cung cấp thông tin thẻ để liên kết với ví điện tử do chúng kiểm soát, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Các thông tin cơ bản bao gồm:
- Hình ảnh thẻ, dãy số in trên thẻ, tên chủ thẻ hoặc màn hình hiển thị số thẻ đầy đủ trong dịch vụ ngân hàng số.
- Mã OTP được gửi đến số điện thoại của khách hàng.
Trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng còn có thể yêu cầu nạn nhân chuyển tiền với lý do thanh toán phí hồ sơ, phí phát hành thẻ…
Thực tế đã có nhiều người dân sập bẫy và mất tiền oan với chúng. Chị O. 21 tuổi, TP. Đà Nẵng vừa bị lừa gần 8 triệu đông. Đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên giao hàng, gửi thông tin chuyển khoản và liên tục hối thúc chị O. chuyển tiền với lý do "giao hàng gấp".
Sau khi nạn nhân chuyển khoản, một đối tượng khác tiếp tục gọi điện, thông báo rằng chị O. đã “chuyển nhầm vào tài khoản công ty”, đồng nghĩa với việc “đăng ký hội viên” và sẽ bị tự động khấu trừ 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Đối tượng này còn gửi một đường link giả mạo, tự xưng là bộ phận chăm sóc khách hàng, và hướng dẫn chị O. thực hiện thêm các thao tác nhằm chiếm đoạt thêm tài sản.
Theo Công an TP. Đà Nẵng, thủ đoạn trên là chiêu trò lừa đảo không mới, thường được các đối tượng giả danh shipper sử dụng để chiếm đoạt tài sản. Chúng thường thu thập hoặc mua bán dữ liệu cá nhân của những người có thói quen mua sắm trực tuyến. Từ đó, các đối tượng chủ động gọi điện thông báo giao hàng vào những khung giờ nạn nhân vắng mặt tại nhà, rồi yêu cầu chuyển khoản trước để tạo lòng tin, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo như trong vụ việc nói trên.
Ngoài chị O. còn rất nhiều những trường hợp bị lừa tương tự. Cơ quan công an cảnh báo, người dân nên đề cao cảnh giác. Tuyệt đối không chia sẻ bất cứ thông tin cá nhân nào như tài khoản, mật khẩu ngân hàng. Không truy cập các đường link lạ hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc được gửi qua email, tin nhắn hoặc mạng xã hội.
Các cơ quan chức năng cũng không bao giờ làm việc qua điện thoại, nếu có vấn đề sẽ liên hệ làm việc trực tiếp tại trụ sở tiếp dân. Người dân nếu có nghi ngờ bị lừa đảo thì cần thông báo tới cơ quan công an gần nhất.
Tác giả: Dương Thuỵ
-
7 loại ảnh không nên lưu trong điện thoại, dễ bị lộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng
-
Kể từ ngày 1/7: 03 nhóm đối tượng này đóng bảo hiểm theo mức lương cơ sở mới
-
1 lỗi vi phạm nhiều người dễ quên và mắc phải tăng gấp 36–50 lần, có thể lên tới 22 triệu đồng
-
Người nghỉ hưu từ ngày 1/7/2025 sẽ được hưởng lương hưu như thế nào?
-
Công bố 4 số điện thoại lừa đảo mới nhất, người dân không kết bạn Zalo, không nghe máy