Công chức sẽ bị mất khoản tiền nào khi thực hiện cải cách tiền lương năm 2024?

( PHUNUTODAY ) - Khi cải cách tiền lương, sẽ có những khoản phụ cấp của công chức sẽ bị bãi bỏ, đó là những khoản gì, hãy cùng tìm hiểu.

Công chức sẽ mất các khoản thu nhập nào khi cải cách tiền lương?

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, tổng quỹ phụ cấp bảo đảm chiếm tối đa 30% so với tổng quỹ lương.

Theo đó, bãi bỏ các loại phụ cấp sau:

1 - Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức);

2 - Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ);

3 - Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội;

4 - Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);

5 - Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (vù đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Bên cạnh đó, Nghị quyết 27 cũng bãi bỏ các khoản chi ngoài lương cho cán bộ, công chức, bởi theo tinh thần của Nghị quyết này thì việc thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng đột phá tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương.

Và một trong những giải pháp đó chính là bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như:

- Tiền bồi dưỡng họp,

- Tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo…

Chủ trương của Nghị quyết 27 là khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị; đồng thời nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương như xe ô tô, điện thoại…

Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức chỉ còn được hưởng lương, phụ cấp theo vị trí việc làm mà không con được nhận các khoản tiền bồi dưỡng như hiện nay.

Khoản thu nhập được bổ sung cho công chức khi cải cách tiền lương

- Phụ cấp kiêm nhiệm

- Phụ cấp thâm niên vượt khung

- Phụ cấp khu vực

- Phụ cấp trách nhiệm công việc

- Phụ cấp lưu động

- Phụ cấp theo nghề

- Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

Bên cạnh đó, một trong những nội dung cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) trong thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm:

- Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương)

- Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

- Bổ sung tiền thưởng, và quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, cơ cấu tiền lương mới sẽ được bổ sung thêm khoản tiền thưởng chiếm 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm các khoản phụ cấp.

Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập thì doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thoả thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động thương lượng, thoả thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường.

Bên cạnh đó, thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ quy định mức lương cơ bản, tiền lương tăng thêm và tiền thưởng theo năm gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn nhà nước đối với người đại diện vốn nhà nước.

Với các doanh nghiệp làm nhiệm vụ bình ổn thị trường theo nhiệm vụ được Nhà nước giao thì tính toán, xác định để loại trừ những chi phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, làm cơ sở xác định tiền lương, tiền thưởng của người lao động cũng như người quản lý doanh nghiệp.

Tác giả: Thạch Thảo