Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn TP. Hà Nội lần thứ XVI mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng mới và bổ sung thêm khu nhà ở cho người lao động gắn bó lâu dài với thủ đô.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp nhiều năm qua đã được Thành phố thường xuyên quan tâm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2014, Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng nhà ở giá thấp cho sinh viên, công nhân lao động.
Theo kế hoạch, TP.Hà Nội sẽ xây dựng 6,2 triệu m2 nhà ở cho người có thu nhập thấp, đến nay đã xây dựng 3,5 triệu m2, còn 2,5 triệu m2 đang được triển khai. Trong 3,5 triệu m2 nhà ở cho người thu nhập thấp có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, thành phố đều không thu phí sử dụng đất.
Để có được mức giá từ 200-400 triệu/căn hộ cho công nhân, viên chức người lao động, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ đề xuất Chính phủ đồng ý để xây dựng các căn hộ 35-40 m2. Hà Nội cũng sẽ có chương trình cho công nhân vay vốn mua nhà với lãi suất thấp, trong thời gian dài.
Đối tượng được hưởng lợi là công nhân ở các khu công nghiệp như Quang Minh, Bắc Thăng Long…
Theo Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, công nhân, viên chức người lao động đã có tổng cộng có 1.012 ý kiến, kiến nghị gửi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Tất cả được tập trung thành 6 nhóm vấn đề để đảm bảo đời sống, quyền lợi chính đáng cho người lao động thủ đô, trong đó đáng chú ý là vấn đề nhà ở, trường mầm non, trạm y tế.
Nhiều công nhân mong muốn TP. Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở và bố trí quỹ đất xây nhà cho công nhân mua, với giá 200-300 triệu/căn để người lao động gắn bó lâu dài với thủ đô. Ông Nguyễn Đức Chung cho biết điều kiện phúc lợi nhà ở cho công nhân, người lao động là nhu cầu chính đáng.
Trước đó, Bình Dương là địa phương tiên phong trong việc xây dựng nhà ở dành công nhân và khá thành công. Đến nay, tỉnh này đã hoàn thành hàng nghìn căn hộ có diện tích 30-60m2 dành cho công nhân tại các khu công nghiệp và người lao động có thu nhập thấp với giá từ 100 triệu đồng. Đặc biệt, công nhân được mua trả góp và đóng số tiền nhỏ hàng tháng. Mô hình của Bình Dương đã được nhiều tỉnh thành phố trong cả nước quan tâm, học tập.
Tác giả: