Bé T.G.B (4 tuổi, quê Đắk Lắk) bị viêm phổi tái đi tái lại, đã điều trị tại nhiều phòng khám tư nhân nhưng không khỏi. Tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, bé được chẩn đoán viêm phổi, có dị vật đường thở, các bác sĩ đưa ra phương án gắp dị vật bằng phương pháp nội soi nhưng không thể thực hiện vì mủ trong phổi bé quá nhiều. Tình trạng bé ngày càng nặng nên bệnh viện đã chuyển lên BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM).
Sau khi chuyển lên tuyến TƯ, các bác sĩ đã theo dõi và điều trị cho bệnh nhi ổn định. Sau đó khoa Hô hấp phối hợp với các ekip chuyên khoa Tai - Mũi - Họng tiến hành nội soi, gắp được dị vật sau 3 tiếng đồng hồ. Vật nằm trong phổi bé là một đầu đạn bi của súng hơi. Lúc đó, người nhà bé B mới nhớ ra trước đó khoảng một tháng bé B. hay chơi đạn bi súng hơi và có thể đã bị sặc.
Hiện tại, tình hình sức khỏe bé đã dần ổn định.
"Thời gian vàng để cấp cứu trẻ rất ngắn. Trong tình trạng trẻ bị ngạt chỉ cần 4 phút đã gây tổn thương thần kinh không hồi phục. Vì vậy người lớn cần biết cấp cứu cho trẻ bị hóc dị vật tại nhà. Ngoài ra, trong chương trình của học đường cũng nên hướng dẫn cho trẻ những cách đối phó với tình huống khẩn cấp" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Trẻ em là đối tượng rất dễ hóc các dị vật là đồ chơi, hạt trái cây, cúc quần áo, trang sức... Các biểu hiện của trẻ thường sẽ ngay lập tức xảy ra, thường vào viện với biểu hiện ngạt, ho... Nhiều trường hợp, trẻ chỉ đơn thuần đến viện vì những bệnh cảnh như khò khè, viêm phổi nhiều lần nhưng thực chất là có dị vật bị bỏ quên trong cơ thể. Việc chẩn đoán trong các trường hợp này thường khá khó khăn.
Quý phụ huynh lưu ý giám sát trẻ khi trẻ chơi một mình, tránh để trẻ lấy được các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, quản lý con khi dùng đồ ăn uống, bột, sữa, thạch, các loại quả có hạt... Trong trường hợp trẻ vô tình nuốt phải dị vật nhọn thì phải đưa đi cấp cứu ngay, tránh tự ý móc họng bé vì cách này có thể khiến dị vật mắc sâu hơn.
Tác giả: Tran Thi Lan Huong