Đặt gà cúng lên bàn thờ ngày Tết, đầu quay ra hay quay vào mới đúng?

( PHUNUTODAY ) - Khi đặt gà cúng, gia chủ nên chú ý tới hướng đầu của gà vì nó cũng thể hiện ý nghĩa nhất định.

Trong mâm cỗ cúng ngày Tết, gà luộc là món không thể thiếu. Gà cúng thường là gà trống thiến nguyên con luộc chín, phần cánh được buộc tạo hình, mỏ ngậm hoa hồng đỏ (có thể có hoặc không) để tạo dáng đẹp mắt. Gà được bày ngay ngắn trên mâm cỗ thể hiện sự thành kính của gia chủ đối với tổ tiên, thần linh.

Gà cúng cần được chuẩn bị khá tỉ mỉ. Tuy nhiên, việc đặt gà cúng lên bàn thờ không được làm tùy tiện. Không phải ai cũng biết gà nên được đặt ở vị trí nào, đầu quay ra ngoài hay quay vào trong mới đúng.

Đặt gà cúng trên bàn thờ ngày Tết, đầu nên quay ra hay quay vào?

Đầu gà cúng quay ra hay quay vào sẽ phụ thuộc vào vị trí đặt gà là ở bàn thờ hay ngoài trời và thời điểm cúng.

- Gà cúng gia tiên

Theo một số chuyên gia văn hóa, gà cúng đặt trên ban thờ gia tiên nên quay đầu vào trong, hướng về phía bát hương. Vị trí đặt gà này mang ý nghĩa "con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu".

Gà cúng tổ tiên ở trong tư thế chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên, miệng há.

Để đầu gà hướng vào trong trông sẽ đẹp hơn và cũng mang ý nghĩa tốt. Đầu gà hướng ra ngoài thể hiện gà không chầu, không mang sự thành kính.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không quá quan trọng về hướng quay của đầu gà cúng.

- Gà cúng giao thừa

Theo quan niệm dân gian, mỗi năm Thiên đình lại thay đổi toan bộ quan quân trông coi hạ giáo. Lễ cúng giao thừa chính là để tiễn quan cai quản năm cũ và đón quan cai quản năm mới. Trong trường hợp này, đầu gà hướng ra ngoài để thể hiện sự chào đón với quan Hành Khiển của năm mới.

- Gà cúng Thổ Địa, Thần Tài

Cách bày gà cúng trên bàn thờ Thổ Địa, Thần Tài thì nên để giống bàn thờ gia tiên. Tức là gà nên để quay đầu bát hương.

Tùy theo vị trí đặt gà cúng mà đầu gà có thể quay ra hoặc quay vào. Mỗi cách đặt thể hiện một ý nghĩa riêng.

Vì sao dùng gà trống để cúng?

TS Trần Long, nguyên Trưởng bộ môn Văn hoá Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ trên báo điện tử VTC New rằng tập tục dùng gà trống trong việc cúng tế có từ thời phong kiến Việt Nam. Đây là thời điểm tư tưởng Nho giáo dễ chiu phối xã hội.

Trong Nho giáo, ngũ thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín được đề cao. Các nghi thức lễ cũng được quy vào ngũ thường này.

Người xưa dùng gà trống vì cho rằng loại này thể hiện đủ các phẩm chất ngũ thường. Khi tìm được mồi, gà trống sẽ gọi gà mái và gà con cùng đến ăn. Đây là biểu hiện của Nhân - là đạo lý làm người phải biết yêu thương, sẻ chia.

Gà trống có mào to đẹp trông giống như đang đội một chiếc mũ trang trọng. Hình ảnh này tương tự như các quan thượng triều đội mão. Đây là biểu hiện của Lễ, tức là tuân thủ các lễ nghi, giữ đúng tôn ti, có sự kính trên nhường dưới. Trong xã hội phong kiến, mão quan được phân theo cấp bậc, từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Tùy vào vị trí mà con người phải biết cách ứng xử cho đúng lễ.

Bên cạnh đó, gà khi được người nông dân cho ăn 3 ngày thì sẽ ở lại. Đây được coi là biểu hiện của Nghĩa, tức là biết trọng tình nghĩa, biết đền đáp công ơn của người đã giúp đỡ mình.

Gà trống còn là biểu tượng của Dũng, tức là sự dũng cảm, không sợ thắng thua. Gà trống luôn chiến đấu hết mình trong các trận đấu. Nếu thắng, chúng sẽ không thi đấu nữa khi gặp lại đối thủ cũ. Điều này thể hiện sự dám làm dám chịu, biết chấp nhận thất bại.

Gà trống đều đặn gáy từ tờ mờ sáng để đánh thức con người, thể hiện chữ Tín, phẩm chất đáng tin cậy.

Tác giả: Thanh Huyền