10 dấu hiệu mang thai sớm nhất của thai kỳ
Bạn tự hỏi không biết có phải mình đã mang thai? Đừng bỏ qua 10 dấu hiệu có thai sớm tuần đầu tiên dưới đây nhé!
Chảy máu âm đạo
Máu bảo thai là một trong những dấu hiệu sớm nhất. Máu báo thai chính là dấu hiệu của trứng và tinh trùng gặp nhau, và làm tổ ở tử cung thành công. Trên thực tế, khoảng 25 – 30% phụ nữ mang thai bị chảy máu trong vài ngày đầu của thai kỳ.
Cổ tử cung ẩm ướt
Chất nhầy cổ tử cung, còn gọi là dịch tiết, sẽ dày lên trong quá trình rụng trứng để giúp tinh trùng dễ gặp trứng. Nếu trứng không gặp được tinh trùng, chất nhầy cổ tử cung sẽ khô trong vòng 24 giờ sau khi trứng rụng.
Căng tức vùng ngực
Sự thay đổi hormone trong khi mang thai sẽ làm máu chảy về vùng ngực nhiều hơn và làm thay đổi các mô vú. Việc này sẽ khiến ngực trở nên đầy đặn, sưng tấy và căng tức. Khi mang thai, vùng ngực sẽ sưng, đau; núm vú trở nên sẫm màu và nhô ra; quầng vú lớn hơn.
Đi tiểu nhiều lần
Nếu bạn thường xuyên để đi tiểu vào ban đêm, đó cũng có thể là dấu hiệu có thai sớm. Việc này là do sự thay đổi nội tiết tố (hormone hCG) cùng sự phát triển kích thước của tử cung gây áp lực lên bàng quang.
Buồn nôn
Ốm nghén là một tình trạng phổ biến do hormone thay đổi, gây ảnh hưởng đến hơn một nửa số phụ nữ mang thai. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn và nôn, chán ăn.
Mệt mỏi
Khi thụ thai thành công, nồng độ progesterone trong cơ thể bắt đầu tăng nhanh và tiếp tục tăng trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất. Progesterone là chất duy trì nội tiết tố của thai kỳ, ngăn ngừa co bóp tử cung và ức chế đáp ứng miễn dịch sớm. Tuy vậy, sự gia tăng đột ngột của progesterone trong thời kỳ đầu mang thai có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, đôi lúc kiệt sức.
Chóng mặt, ngất xỉu
Thậm chí, một số mẹ còn có triệu chứng chóng mặt, dẫn tới ngất xỉu. Hiện tượng này xảy ra khi sự lưu thông máu tăng do thay đổi nội tiết tố làm mạch máu giãn ra, dẫn đến giảm huyết áp đột ngột. Ngoài ra ở đầu thai kỳ, hiện tượng ngất xỉu cũng có thể là do lượng đường trong máu thấp.
Đầy hơi
Khi “làn sóng” progesterone trỗi dậy mạnh mẽ, nó có thể gây ra những thay đổi lớn cho cơ thể bạn. Một trong số đó là làm cho các cơ bắp, bao gồm các cơ trong ruột, trở nên “lười biếng” hơn. Do đó, quá trình tiêu hóa sẽ chậm lại, gây ra tình trạng đầy hơi, ợ hơi.
Nướu sưng và đau
Khi cơ thể phải tập trung lượng máu và lượng chất lỏng cho việc nuôi dưỡng em bé, bạn rất dễ bị sưng các mô (bao gồm cả nướu). Chính vì thế, bạn hãy chú ý đến hiện tượng nướu bị viêm, đau, chảy máu; mắt và mặt sưng húp. Đó là một trong những dấu hiệu sớm cho thấy bạn đã có thai.
Thay đổi khẩu vị
Hormone hCG tăng cao trong suốt thời kỳ đầu mang thai sẽ khiến bạn bị kích thích cảm giác thèm ăn đối với một số loại thực phẩm, đồng thời không mấy thiện cảm với những loại khác. Nhạy cảm với mùi cũng là một cách nhận biết có thai phổ biến với các mẹ bầu.
Các phương pháp thử thai chính xác
Hiện nay có 2 phương pháp xét nghiệm chính và được sử dụng nhiều nhất đó là:
- Xét nghiệm nước tiểu: thực chất là việc sử dụng que thử thai mà chúng ta vẫn thường dùng hiện nay.
- Xét nghiệm máu: cũng là phương pháp chẩn đoán có thai phổ biến với độ chính xác lên tới 100%. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của người mẹ và kiểm tra nồng độ Beta-hCG trong máu, từ đó cho ra kết quả.
Cách dùng que thử thai đúng cách tại nhà
Thực tế, không ít chị em chưa biết cách dùng que thử thai dẫn đến kết quả không chính xác. Thông thường, cách thử thai bằng que thử thai chính xác có các bước cơ bản như sau:
- Bước 1: Lấy nước tiểu cho vào cốc.
- Bước 2: Xé bao nhôm đựng que thử thai.
- Bước 3: Cầm que thử thai trên tay theo hướng mũi tên chỉ xuống.
- Bước 4: Cắm que thử thai vào cốc đựng nước tiểu sao cho mặt nước tiểu không ngập quá mũi tên.
- Bước 5: Chờ 2-5 phút để bắt đầu đọc kết quả.
Cách đọc kết quả que thử thai:
- Que thử thai hiện 2 vạch hồng: chúc mừng, bạn đã có thai
- Que thử thai hiện 1 vạch: kết quả là bạn không có thai
- Nếu vạch hồng thứ 2 bị mờ: nồng độ hCG còn khá thấp, bạn đợi một vài ngày và thử lại nhé
Hy vọng, những dấu hiệu trên đây sẽ giúp cho mẹ chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch cá nhân, chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi được tốt nhất ngay từ những ngày đầu.
Tác giả: M