Đầu năm nhớ mua 1 thứ để may mắn, tài lộc chảy vào nhà, tránh xa 1 thứ kẻo cả năm thất bát

( PHUNUTODAY ) - Từ xa xưa, người Việt đã có tục lệ "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Để tìm hiểu rõ hơn ý nghĩa của tập tục này, chúng ta hãy cùng tham khảo trong bài viết dưới đây.

Vào dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam, có nhiều phong tục, lễ nghi được người dân gìn giữ từ đời này qua đời khác với hy vọng đem lại sự may mắn, tài lộc cho gia đình. Trong đó, tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" của người Việt mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, thậm chí ngay sau khi thời khắc giao thừa kết thúc, nhiều người có thói quen mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm, mong muốn về cuộc sống ấm no. Còn trong ngày cuối năm, người ta mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi hay ngụ ý làm nhà làm cửa.

Việc mua muối đầu năm thường bắt đầu trong buổi sớm mồng 1 Tết. Vì lẽ đó, ngay từ sáng mồng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa.

Hầu hết mọi người đều háo hức mua một vài đồng muối lấy may cho cả năm, và không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ. Người ta gọi muối bán trong ngày đầu năm mới là “muối lộc”.

Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, nó mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái.

Nói về câu thành ngữ này, ông Vương Duy Bảo - Cục phó Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) cho biết, có rất nhiều ý nghĩa. Thế nhưng không mấy ai hiểu hết ý nghĩa chính của nó.

Nhiều người chỉ hiểu một cách đơn giản: Muối là mặn. Mua muối đầu năm là mua sự mặn mà về gia đình trong cả năm. Trong đời sống hàng ngày của đồng bào Bắc Bộ, muối có một vị trí rất quan trọng và chỉ đứng sau gạo nên bát muối được mua sẽ đong đầy tới tận ngọn chứ không gạt ngang miệng bát.

Song song với đó, người dân sẽ chỉ mua vôi vào cuối năm. Không bao giờ mua vôi đầu năm vì vôi trắng, người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc bẽo - "bạc như vôi". Tránh mua vôi vào đầu năm là tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt. Vậy nên không mua vôi đầu năm.

Cuối năm mua vôi là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Vôi quét nhà, cũng là để xóa đi những điểu không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua.

Cũng có một cách giải thích khác cho rằng cuối năm phải mua vôi để tiếp vôi cho "ông bình vôi".

Cuối năm mua vôi là để xóa đi những điểu không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua.

"Ông bình vôi" là vật dụng đặc biệt để vôi ăn trầu bằng sành sứ chỉ các cụ có thói quen ăn trầu mới có. Và khi lấy vôi trong bình cũng phải hết sức thận trọng, bởi người xưa quan niệm khi dùng dao vôi để lấy vôi, nhất thiết không được ngoáy chìa vôi vào lòng ông vì nếu thế sẽ bị bệnh cồn cào ruột gan mà phải dùng chìa đưa thẳng rồi rút ra. Vì thế, miệng ông cứ mỗi ngày một đầy, thành vành khuyên, hôm trở trời tự lóc ra, người ta dùng dao khứa chân rồi đem xâu vào dây treo trước cửa để trừ tà.

"Ông bình vôi" là vật thiêng trong nhà người xưa, do vậy lúc nào cũng phải cho ông ăn no, ăn đủ. Tuy nhiên do “Bạc như vôi” nên người ta chỉ cho ông ăn vào cuối năm chứ không ai cho ông ăn đầu năm vì vậy mới có tục “cuối năm mua vôi”.

Tuy nhiên, ông Bảo cho biết, cách hiểu trên chưa đầy đủ. Người Việt vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm. Ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà. Sở dĩ, câu nói này có ý nghĩa như vậy bởi, đối với người Bắc Bộ, “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là 3 việc quan trọng nhất của đời người.

Tác giả: Thạch Thảo