Đẻ thường có đau không?
Khi mang thai, nghĩ về chuyện sinh đẻ, hầu hết các mẹ bầu đều lo lắng về cảm giác đau đớn do cơn co thắt gây ra, quan tâm về các dấu hiệu chuyển dạ và độ mở của cổ tử cung. Trong khi đó, giai đoạn thử hai trong quá trình sinh nở, cách rặn đẻ, lại rất ít khi được quan tâm.
Lúc bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ thì cơn gò tử cung thường ngắn, kéo dài khoảng 10 đến 15 giây và tần số xuất hiện thường dài như 10 phút có một cơn co. Các cơn co này thường gây đau nhẹ. Sau đó, càng gần đến lúc rặn sinh thì cơn co kéo dài hơn khoảng 15 – 20 giây rồi 20 – 30 giây, và lúc cơn co kéo dài khoảng 30 – 40 giây là lúc em bé sắp ra đời. Sự xuất hiện các cơn co cũng thường xuyên hơn, 10 phút sẽ có 3 cơn co và khi 10 phút có hơn 3 cơn co và sản phụ đau bụng dữ dội là thời điểm rặn đã đến.
Như vậy, cơn co tử cung mang tính chất chu kỳ, với mỗi một cơn gò tử cung thường có 3 thì: thì co, thì kéo dài và thì nghỉ. Ở thì co, thai phụ thường cảm giác bụng cứng lên, cảm giác đau đớn tăng dần, đau đạt đỉnh điểm ở thì kéo dài, sau đó cảm giác đau sẽ giảm dần và không cảm thấy đau nữa ở thì nghỉ. Khoảng cách giữa các cơn gò tử cung là thì nghỉ, đó là những thời điểm để thai phụ phục hồi sức lực, chuẩn bị tập trung vào thì co và thì kéo dài để chịu đau và rặn có hiệu quả. Như vậy, đau rồi hết đau, rồi đau, rồi hết đau… lặp đi lặp lại cho đến khi em bé được sinh ra.
Ngày nay, với những tiến bộ của khoa học, đã có phương pháp gây tê “đẻ không đau”. Tuy nhiên, không phải tất cả thai phụ nào cũng đều được đẻ không đau. Vì đẻ không đau chỉ thực hiện được ở những bệnh viện lớn có trang bị phương tiện gây mê hồi sức tốt và có đội ngũ bác sĩ gây mê có kinh nghiệm và cũng có những trường hợp thai phụ có chống chỉ định gây tê đẻ không đau như bệnh lý cột sống, tăng huyết áp… Và mặc dù đẻ không đau nhưng thai phụ vẫn cần biết cách thở và cách rặn sinh thì cuộc sinh mới tốt đẹp, mẹ tròn con vuông được. Do đó, thai phụ cần biết cách thở và biết cách rặn có hiệu quả, không rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con như: Bé bị ngạt trong bụng mẹ, mẹ bị mệt, tổn thương phức tạp đường sinh dục, chuyển dạ kéo dài gây băng huyết sau sinh…
Mẹo đẻ thường không đau
Dưới đây là một vài lời khuyên rất hữu ích của hội chị em đã từng trải qua cơn đau đẻ thường mà không cần đụng dao kéo:
Hãy xác định tinh thần cho cơn đau khủng khiếp nhất trong cuộc đời ngay từ bây giờ
Chuẩn bị cho một ca sinh thường chẳng khác nào một cuộc chạy đua. Chúng ta không thể cứ thế đến trước vạch xuất phát rồi hy vọng rằng mình sẽ chiến thắng trong khi trước đấy chúng ta mới chỉ tập đi bộ loanh loanh vài lần. Sinh đẻ cũng cần luyện tập đến hàng tháng trời cả về thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, hãy xác định tinh thần đây sẽ là cơn đau khủng khiếp nhất trong cuộc đời mình, và đừng nuôi hy vọng nó bớt đau hay chẳng hề đau đớn. Càng xác định rõ ràng tinh thần bao nhiêu, khi cơn đau kéo đến, chúng ta sẽ càng không choáng váng, sợ hãi và đôi khi, lại cảm thấy không quá đau như mình tưởng tượng.
Thoải mái với bản thân khi đi đẻ
Chắc chắn, tiếng hét của các mẹ bầu sẽ vang to cả 6 tầng nhà hộ sinh, sẽ là tiếng rên rỉ, tiếng khóc xen lẫn tiếng nấc. Chắc chắn, trong cơn đau đẻ, chúng ta sẽ muốn mắng mỏ chồng, mắng mỏ em bé, bác sỹ, y tá, thậm chí mắng cả…trời. Cũng chắc chắn, chúng ta sẽ ít nhất một lần thề sẽ không quan hệ với chồng nữa hoặc không…đẻ nữa. Những hành động đó là không thể tránh khỏi và cũng không có gì đáng xấu hổ. Bởi đau đẻ là thế và bởi con người là thế. Hãy thoải mái với bản thân, đừng cố kìm nén và trước khi gặp cơn đau, có thể nói trước với chồng và mọi người. Tất cả đều sẽ thấu hiểu mẹ và giúp đỡ ta giải tỏa hết sức có thể.
Hãy nghĩ rằng không có cách nào khác để giảm đau đâu
Thuốc gây tê màng cứng, thuốc tê, thuốc giảm đau hay thôi chuyển sang sinh mổ…..tôi luôn coi những thứ đấy như không tồn tại và vì vậy, tôi không bị cám dỗ. Mẹ bầu sẽ có nhiều khả năng để vượt qua nỗi đau nếu ta xác định rằng không có lựa chọn nào khác và hoàn toàn tập trung vào việc chịu đựng các cơn co.
Không nghĩ về việc rạch âm đạo và tình trạng vùng kín sau sinh
Nhiều mẹ bầu cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc vùng kín của mình bị rạch, cũng nhận thức rõ ràng rằng vùng kín của mình đang được mở rộng, kéo dài, và giãn ra hết mức có thể khi em bé đi đến. Cảm giác về việc sợ đau, sợ hỏng vùng kín sẽ khiến ta muốn khép chân lại và níu không cho con ra. Tất nhiên, điều đó là vô ích. Bất cứ cảm giác sợ hãi hay muốn chống đối lại việc sinh đẻ chỉ khiến chúng ta đau hơn. Vì vậy, hãy thả lỏng bản thân, thả lỏng vùng kín, nó sẽ giúp mẹ bầu bớt đau hơn nhiều. Một “bí mật” nữa nhằm trấn an chị em, động tác rạch vùng kín của bác sỹ nhanh đến mức chúng ta không kịp cảm thấy gì và nó cũng chẳng đau đớn gì so với cơn đau đẻ. Âm đạo của sản phụ sẽ hoàn toàn lành lặn sau 1,2 tuần và không hề bị to ngoác ra chút nào.
Uống nước lá tía tô để rút ngắn thời gian đau đẻ
Nước lá tía tô có tác dụng kích thích cổ tử cung nhanh mở. Học theo kinh nghiệm của các bà các mẹ đi trước, tôi cũng chuẩn bị ít lá tía tô rửa sạch để sẵn trong tủ lạnh. Khi những cơn đau lâm râm xuất hiện, hãy nhanh chóng chờ chồng hoặc người thân đun cho một ấm nước lá tía tô để uống dần khi vào viện. Mặt khác Mẹo nhỏ nước tía tô này có tác dụng với từng người, từng cơ địa khác nhau nhưng cũng rất đáng thử.
Thường xuyên rèn luyện việc thở theo nhịp
Ngay khi xuất hiện những cơn co thắt cho đến cả quá trình sinh bé, mẹ bầu cần duy trì việc thở theo nhịp. Lấy hơi nhanh chóng (từ 2-3 giây/lần) bằng mũi và thở sâu ra bằng miệng. Hoạt động này sẽ giúp làm giảm các cơn đau co thắt và khiến việc sinh đẻ diễn ra nhanh chóng, dễ dàng. Chính vì vậy để tránh đến lúc đau đẻ sẽ "cuống", mất nhịp thở, tôi luôn cố gắng tập thở cùng chồng trước ở nhà. Chỉ cần chồng nhìn vào tôi, tay và đầu chuyển động theo nhịp hoặc cho tôi những lời động viên là tôi có thể bình tĩnh trở lại.
Liên hệ trước với người đỡ đẻ
Trước khi sinh 1 tháng, tôi đã liên hệ với một bệnh viện uy tín và tìm người hộ sinh, người sẽ hỗ trợ mình mọi mặt trong quá trình sinh nở. Tôi nói chuyện với cô đỡ đẻ của mình trước để cô nắm được tình hình hiện tại của em bé và bản thân người mẹ.Cảm giác quen biết và hiểu rõ nữ hộ sinh của mình sẽ giúp mẹ bầu tự tin và thấy an tâm hơn rất nhiều.
Tác giả: