Đi rút tiền ở máy ATM gặp dấu hiệu này thì dừng phải lại ngay, coi chừng tiền 'không cánh mà bay'

( PHUNUTODAY ) - Khi rút tiền ở máy ATM, bạn cần chú ý quan sát thật kỹ để tránh trường hợp mất tiền oan.

Máy rút tiền tự động (ATM) mang lại sự tiện lợi tuyệt vời cho con người. Tuy nhiên, nó cũng trở thành mục tiêu tấn công của những tên trộm. Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về hình thức đánh cắp tiền khi người dùng sử dụng chức năng "chạm" trên thẻ.

Pamela Bongiorno, khách hàng của một ngân hàng tại New York (Mỹ) cho biết mình đã trở thành nạn nhân khi rút tiền tại ATM.

Cô cho biết mình sử dụng một máy ATM ở bên tay phải. Lúc đó, chồng cô cũng có mặt và có một người đàn ông khác đứng ở phía sau anh ấy. Pamela cho thẻ vào máy nhưng nó không hoạt động.

Sau đó, người đàn ông kia gợi ý rằng nếu cô có thẻ gắn chip thì có thể sử dụng cách chạm thẻ.

Pamela đã nghe theo và chạm thẻ vào đầu đọc. Lần này, chiếc thẻ hoạt động bình thường. Cô nhận được tiền và cảm ơn người đàn ông lạ mặt rồi rời đi.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, Pamela kiểm tra tài khoản thì phát hiện có thêm 3 giao dịch rút tiền bất thường với tổng số tiền là 940 USD (khoảng hơn 22 triệu đồng).

Không phải chỉ có mình Pamela gặp tình trạng như vậy. Rob Bell - một nạn nhân khác của chiêu trò đánh cắp tiền của kẻ gian - cũng gặp tình huống tương tự. Khi đầu đọc thẻ không hoạt động, có một người lạ mặt tiến đến và nói với anh rằng có thể khe cắm thẻ có vấn đề, anh nên dùng tính năng chạm thẻ.

Rob làm theo và cũng lấy tiền rời đi. Sau đó, anh phát hiện toàn bộ số tiền trong thẻ (560 USD - hơn 13 triệu đồng) đã "bốc hơi".

Sau khi báo cảnh sát, các nạn nhân được thông báo rằng, kẻ trộm đã thực hiện chiêu trò trộm tiền của mình bằng cách bôi keo dán lên đầu đọc thẻ máy ATM. Điều này khiến các nạn nhân không thể cho thẻ vào đầu đọc và rút tiền như bình thường. Khi đó, họ phải sử dụng đến tính năng cham thẻ (đối với các thẻ gắn chip).

Phía ngân hàng mà các nạn nhân đã sử dụng dịch vụ cho biết sau khi thực hiện thao tác chạm và tiến hành giao dịch rút tiền, khách hàng cần đăng xuất khỏi tài khoản. Nếu không, tài khoản của họ vẫn sẽ mở trong một khoảng thời gian nhất định và cho phép tiến hành thêm một số giao dịch. Nhiều khách hàng không biết điều này và kẻ xấu đã lợi dụng khe hở đó để kiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng nói thêm rằng việc rút tiền cần phải có mã PIN. Do vậy, trong những trường hợp nêu trên, những tên trộm dường như chụp được cả mã PIN của khác hàng.

Một số lưu ý khác khi rút tiền từ máy ATM

Chú ý khe nhét thẻ

Để đánh cắp tiền từ thẻ của người dùng, hacker sẽ cần 2 thông tin. Một là thông tin người dùng lưu trữ trong thẻ thông qua dải từ. Thứ hai là mã PIN.

Kẻ gian có thể lắp thiết bị ăn cắp thông tin thẻ vào khe nhét thẻ. Khi người dùng nhét thẻ vào khe, thiết bị đọc sẽ đọc thông tin người dùng và chuyển đến hacker.

Do đó, khi rút tiền, hãy kiểm tra khe đọc thẻ. Nếu thấy mọi thứ lỏng lẻo, bạn không nên thực hiện giao dịch.

Đa số các khe đọc thể tại máy ATM đều có mũi tên hướng dẫn. Nếu thấy thiếu phần này, rất có thể đó là đầu đọc thẻ giả mạo.

Camera ẩn

Kể xấu có thể lắp các camera ẩn ở những vị trí có thể ghi lại được hình ảnh bạn nhập mã PIN. Những camera này thường rất nhỏ và khó phát hiện. Đôi khi chúng nhỏ đến mức có thể được giấu trong một lỗ nhỏ trên máy ATM.

Hãy quan sát xung quanh máy ATM để phát hiện xem có điểm này bất thường hay không. Kiểm tra các cạnh màn hình, trần trạm ATM.

Sử dụng tay để che bàn phím khi nhập mã PIN. Sau khi hoàn tất thao tác rút tiền, hãy vuốt toàn bộ bàn phím một lần để tránh sự theo dõi của camera cảm biến nhiệt.

Phím nhập mã PIN giả mạo

Ngoài các công cụ trên, tội phạm có thể sử dụng bàn phím giả mạo để ghi lại mã PIN của người dùng.

Khi rút tiền, hãy kiểm tra độ cao của bàn phím. Nếu thấy bàn phím cao hơn bình thường hoặc lỏng lẻo thì không nên tiếp tục thực hiện giao dịch.

Nếu các cạnh bàn phím có khoảng trống so với bề mặt thì đó có thể là bàn phím giả.

Nếu trạm ATM có vẻ cũ kỹ nhưng bàn phím lại sáng bóng như mới thì cũng nên đề phòng.

Tác giả: Thanh Huyền