Điểm tin mới ngày 8/2: Điều tra vụ hai mẹ con tử vong trong tư thế treo cổ trong phòng vệ sinh

( PHUNUTODAY ) - Sau khi đi chơi về, người thân của chị H và cháu B (7 tháng tuổi) tá hỏa khi phát hiện 2 người đã tử vong trong tư thế treo cổ trong phòng vệ sinh.

Điều tra vụ hai mẹ con tử vong trong tư thế treo cổ trong phòng vệ sinh

Ngày 7/2, Công an tỉnh Bình Thuận đang phối hợp với các đơn vị liên quan để điều tra vụ 2 mẹ con tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà vệ sinh xảy ra trên địa bàn. Nạn nhân là chị Hoàng Thị H (SN 1986) và con trai là Trương Gia B (7 tháng tuổi ).

Trước đó, trong những ngày Tết Đinh Dậu 2017 anh Trương Tuấn Hiếu (SN 1982) là chồng chị H cùng mẹ vợ và anh vợ về tỉnh Nghệ An chơi. Do lúc này chị H có con nhỏ là cháu B không tiện đi xa nên ở nhà trông cháu và nhà.

Căn nhà nơi xảy ra vụ việc. 

Đến sáng 6/2, trên đường về nhà tại thôn Dân Phú, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam anh Hiếu có gọi điện cho vợ hỏi thăm nhưng không ai nghe máy. Đến đêm cùng ngày, khi anh Hiếu cùng mẹ vợ và anh vợ về đến nhà, gõ cửa nhưng không có động tĩnh nên phá cửa vào thì tá hỏa phát hiện chị H và cháu B đã tử vong trong tư thế treo cổ trong phòng vệ sinh.

Ngay trong đêm, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã đến khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nhân chứng, điều tra nguyên nhân vụ việc.

Những người sinh sống xung quanh cho biết, thời gian gần đây chị H có dấu hiệu trầm cảm, thường xuyên nói đến chuyện chết chóc và được mọi người khuyên nhủ. Vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra, làm rõ.

Vừa trả án giết người đã sát hại anh trai

Sau khi giết chết anh trai và lẩn trốn, Nguyễn Tấn Trực (kẻ từng chịu án tù 12 năm về tội giết người) đến cơ quan Công an đầu thú.

Nguồn tin từ Viện KSND tỉnh Phú Yên chiều ngày 7-2 cho biết, cơ quan này vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Tấn Trực, trú ở thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa về tội giết người.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, trưa ngày 3-2 ông Huỳnh Văn Thanh ở thôn Phụng Tường 2, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa bày cuộc nhậu tại nhà cùng 3 người bạn trong làng là Huỳnh Văn Xuân, Huỳnh Văn Tịnh, Trương Văn Hưng.

Đến 16h chiều cùng ngày, Nguyễn Tấn Trực đến chơi, nhưng giữa cuộc nhậu đã xảy ra cãi vã giữa Trực và Hưng là người anh cùng mẹ khác cha. Trong cuộc cãi vã đó, Trực xông vào đánh Hưng nhưng mấy người bạn nhậu kịp thời can ngăn. Trước khi ra về, Trực lớn tiếng đe dọa giết Hưng rồi chủ động đến quán tạp hóa mua 2 con dao Thái Lan lận lưng.

Một lát sau, Hưng rời cuộc nhậu đến nhà mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Vân yêu cầu đuổi Trực ra khỏi nhà, không ngờ Trực lao tới vung tay dao đâm Hưng nhiều nhát vào bụng và ngực. Nạn nhân gượng sức chạy hơn 50m thì gục ngã và đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Sau nhiều giờ lẩn trốn, đến 1h sáng ngày 4-2, Trực đến cơ quan Công an đầu thú.

Được biết năm 2003, Nguyễn Tấn Trực đã bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt 20 năm tù về tội giết người, sau khi thi hành án hơn 12 năm đối tượng này được đặc xá tha tù vào ngày 31-8-2015.

Chủ cơ sở mầm non Sen Vàng xin được giải thể

Chiều 7/2, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội báo cáo về việc giáo viên mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ tại cơ sở mầm non Sen Vàng.

Hình ảnh giáo viên mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ. 

Theo Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, sáng 7/2, tổ công tác của quận thực hiện công tác kiểm tra xác minh tại cơ sở mầm non tư thục Sen Vàng. Trong quá trình kiểm tra, chủ cơ sở mầm non Sen Vàng đề xuất ý kiến xin được giải thể.

Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân phường Minh Khai ra thông báo tạm dừng hoạt động của cơ sở mầm non tư thục Sen Vàng để phục vụ công tác điều tra các nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ sở và các cá nhân theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tạm dừng hoạt động của cơ sở mầm non tư thục Sen Vàng, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng giao Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, Ủy ban nhân dân phường Minh Khai và chủ cơ sở có phương án tổ chức họp cha mẹ học sinh, bố trí chuyển học sinh đang học tại cơ sở mầm non tư thục Sen Vàng được học tập tại 2 trường mầm non công lập (mầm non Minh Khai, mầm non Tuổi Hoa) và 2 cơ sở mầm non ngoài công lập (trường mầm non Bầu trời bé thơ và lớp mầm non Hòa Bình Xanh) theo nguyện vọng, nhu cầu của cha mẹ học sinh.

Chủ cơ sở mầm non tư thục Sen Vàng có trách nhiệm giải quyết chế độ liên quan đến học sinh khi chuyển sang học tập tại cơ sở khác; giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên và nhân viên. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra làm rõ tính chất, mức độ, hành vi vi phạm và căn cứ các quy định, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo xử lý những tổ chức, cá nhân để xảy ra sự việc.

Đồng thời, quận chỉ đạo rút kinh nghiệm trong công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn.

Trước đó, nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường Minh Khai phối hợp với Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Hai Bà Trưng để tiến hành các thủ tục xác minh, điều tra làm rõ các hành vi vi phạm về lĩnh vực giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Chủ cơ sở đã có quyết định chấm dứt hợp đồng đối với 2 giáo viên có hành vi đánh mắng trẻ gây bức xúc dư luận: cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu của chính quyền địa phương và phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật đối với những hành vi vi phạm của giáo viên và cơ sở mầm non tư thục Sen Vàng.

1 lít xăng “gánh” 8.000 đồng thuế môi trường: Doanh nghiệp sợ lép vế khi cạnh tranh

Ngày 7.2, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý với Bộ Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, phía VCCI cho rằng, việc tăng thuế BVMT với xăng khó đảm bảo bù hụt thu ngân sách, ngược lại sẽ khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Theo bản dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế BVMT vừa được Bộ Tài chính - cơ quan được giao soạn thảo công bố và lấy ý kiến, mỗi lít xăng có thể "gánh" 8.000 đồng thuế BVMT.

Trước lập luận của Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh khung thuế BVMT là để tạo hành lang điều chỉnh rộng hơn nhằm bù thu khi các loại thuế nhập khẩu giảm, VCCI đánh giá, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các DN Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các DN ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình chung, chính sách này khiến các DN Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Ngoài ra, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế VCCI dẫn chứng, đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá, tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25 - 35% đối với xe chạy xăng, từ 35 - 45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không.

“Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33 - 59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35 - 40% cơ cấu giá thành. Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân” – VCCI nêu rõ.

Ngoài ra, phía VCCI cho rằng, các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của DN đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước. Do đây mới chỉ nâng khung thuế, chứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên cần có đánh giá dựa trên ba giả thuyết về mức thuế suất: mức sàn, mức trần và mức trung bình.

Phía VCCI cũng cho rằng, không nên thay thế thuế nhập khẩu bằng thuế BVMT đối với xăng dầu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo các cam kết quốc tế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng không nên bù bằng cách tăng Thuế BVMT đối với xăng dầu.

Ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, trước đây, kết cấu thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn thu không bền vững như thu từ khai thác tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiền bán đất. Trong khi đó, các nguồn thu bền vững hơn như thuế thu nhập, thuế tài sản lại đóng góp không đáng kể. Ngay trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do, nguy cơ giảm thu ngân sách từ các loại thuế biên giới đã được đề cập, và giải pháp được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo là Việt Nam cần chuyển hướng sang các khoản thu mang tính bền vững hơn và cắt giảm chi tiêu công.

“Thuế BVMT, cũng giống như thuế tiêu thụ đặc biệt, là một nguồn thu không bền vững. Nếu các loại thuế này đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách sẽ khiến Nhà nước bị đặt vào vị trí xung đột lợi ích, vì một mặt Nhà nước có chính sách hạn chế tiêu dùng một số loại mặt hàng, nhưng mặt khác, bộ máy Nhà nước lại được nuôi sống từ chính mặt hàng đó.” – văn bản của VCCI nêu rõ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2016 mức đóng góp của thuế BVMT trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách. Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỉ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia.

Do đó, xét về dài hạn, VCCI kết luận, việc nới khung thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Nó làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.

Truy sát vợ chồng chủ tiệm bánh gây án mạng vì món nợ 3,5 triệu đồng

Cho rằng ông Châu không trả tiền làm tủ bán bánh mỳ, nam thanh niên gọi thêm bạn đến truy sát, đánh vợ chủ tiệm tử vong.

Ông Nguyễn Châu (55 tuổi) và vợ loay hoay trong tiệm bánh mỳ trên đường 23 Tháng 10, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) chiều 6.2, thì Nguyễn Minh Thuận (36 tuổi) cùng nam thanh niên đi xe máy tới tìm gặp.

Xảy ra cãi vã, ông Châu bị chúng truy sát phải tháo chạy. Người vợ vào can ngăn cũng bị hai tên đánh gục, tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện.

Sáng 7.2, Thuận bị bắt giữ. Nghi can khai, ông Châu nợ anh ta 3,5 triệu đồng làm tủ trưng bày bánh mỳ, nhiều lần tới đòi nhưng chủ tiệm không chịu trả nên gọi bạn đến đánh dằn mặt.

Đồng phạm của Thuận đang bị truy lùng.

Tác giả: Vân Tiên