1. Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo tự nhiên
Nguyên văn: Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp tự nhiên.
Sự vận hành của Trời Đất là gần với tự nhiên nhất. Cá bơi trong nước, chim bay trên trời, hoa nở hoa tàn, tháng ngày đổi thay, bốn mùa vận chuyển… Vạn vật trong trời đất đều chịu sự an bài của một sức mạnh, tất cả đều theo trật tự rành mạch. Cá sẽ không nghĩ tại sao ta lại không bay trên trời? Chim sẽ không nghĩ, tại sao ta lại không bơi dưới nước? Mùa hè sẽ không chạy đến đứng sau mùa đông, mùa thu cũng không thay chỗ cho mùa xuân…
Do đó, người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Lão Tử bảo với chúng ta rằng trước tiên phải biết kính sợ.
Thiên Địa Nhân nhất thể, có một nguồn gốc cuối cùng – Đạo. Nhân loại nhất thiết không được vì để thỏa mãn tư dục của mình mà phá hoại trật tự hài hòa của Trời Đất. Nếu Trời không yên tĩnh, Đất không yên tĩnh, thì chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là nhân loại, mà Đạo không bị bất kỳ tổn thương nào.
Thứ hai, phải tự mình làm. Lão Tử nói: “Công thành sự toại, bách tính đều nói ta tự nhiên” [1]. Sự việc làm thành công rồi, là do bản thân mình thuận theo tự nhiên làm hoàn thành. Tốt xấu ra sao cũng không phải tìm bất kỳ lý do nào, không nên có bất kỳ oán trách nào. Điều tối căn bản nhất của cuộc đời vui vẻ và sự nghiệp thành công là dựa vào chính mình.
Thứ ba, phải vô vi. Nền tảng của tự mình làm vừa vặn là vô vi. Vô vi không phải là cái gì cũng không làm, mà là “Thuận”. Tức là thuận theo hình thế mà làm. Mỗi địa phương đều có tính chất địa lý riêng, mỗi một thời gian đều có thiên thời khác nhau, do đó “Nhân địa chế nghi, tùy thời biến hóa” (Tùy theo nơi chốn mà làm thích hợp, tùy theo thời thế mà biến hóa phù hợp).
Tác phẩm của Lão Tử, cuốn Đạo Đức Kinh, là một trong những cuốn chuyên luận đáng chú ý nhất trong lịch sử triết học Trung Quốc. Nó là kiệt tác của ông, đụng chạm tới nhiều vấn đề của triết học từ tính chất duy linh của cá nhân và động lực giữa các cá nhân cho đến các kỹ thuật chính trị. Lão Tử đã phát triển khái niệm "Đạo", với nghĩa là "Con Đường", và mở rộng nghĩa của nó thành một trật tự vốn có hay tính chất của vũ trụ: "(đạo là) cách thức của thiên nhiên". Ông nhấn mạnh khái niệm vô vi, hay "hành động thông qua không hành động". Điều này không có nghĩa là người ta chỉ nên ngồi một chỗ và không làm gì cả, mà có nghĩa là ta phải tránh các mục đích rõ rệt, các ý chí mạnh, hay thế chủ động; ta chỉ có thể đạt tới hiệu quả thực sự bằng cách đi theo con đường của mọi vật, tự động tăng và tự động giảm. Những hành động được thực hành theo Đạo rất dễ dàng và có hiệu quả hơn mọi cố gắng để chống lại nó. Lão Tử tin rằng cần phải tránh bạo lực khi có thể, và rằng một chiến thắng quân sự nên là dịp để đau buồn thay vì ăn mừng chiến thắng.
Tác giả: Minh Ngọc