Donald Trump chủ nhân mới của Nhà Trắng, vận mệnh thế giới thay đổi?

( PHUNUTODAY ) - Donald Trump đã chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, một kết quả trái ngược với những dự đoán trước đó của nhiều tờ báo danh tiếng Mỹ.

Ngày 9.11, người dân Mỹ thức dậy và đón chào vị tổng thống mới.

Điều đặc biệt là, tổng thống thứ 45 đồng thời chính là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ không có kinh nghiệm chính trị hay quân đội, theo USA Today.

Ông Donald Trump, năm nay 70 tuổi, là tỷ phú bất động sản và là một ngôi sao truyền hình thực tế trước khi tranh cử tổng thống. Ông là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của The Trump Organization và là người sáng lập Trump Entertainment Resorts, đã vượt qua đối thủ Hillary Clinton và chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một loạt các hãng tin lớn của Mỹ đang đưa tin rầm rộ về chiến thắng của ông.

Ông Trump thắng cử với 276 phiếu đại cử tri, theo USA Today lúc 2h46 sáng ngày 9.11. Trong khi đó, bà Clinton chỉ nhận được 218 phiếu đại cử tri. Ông chính là sự lựa chọn của nhiều bang quan trọng như Florida, Bắc Carolina…

 Donald Trump chủ nhân mới của Nhà Trắng

Có lẽ đây là một kết quả rất bất ngờ. Với nhiều bê bối liên quan đến tình dục, xúc phạm phụ nữ, ông Trump thua bà Clinton trong nhiều cuộc thăm dò dư luận trước ngày bầu cử của các báo Mỹ. Thậm chí, một ngày trước bầu cử, khảo sát của hãng tin Reuters danh tiếng còn cho biết bà Clinton có tới 90% trở thành tổng thống.

Vậy khi ông Trump chủ nhân mới của Nhà Trắng lên nắm quyền thì liệu những chuyện gì xảy ra mới thế giới?

Mạnh tay với khủng bố

Trump từng thề sẽ "ném bom không ngừng nghỉ" để đánh bật Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi Iraq. Nhưng tại Syria, Trump lại nói sẽ nhường việc chống IS cho chính quyền Damascus.

Dưới sự lãnh đạo của Trump, Mỹ sẽ từ chối tiếp nhận người di cư từ Syria. Thay vào đó, ông đề xuất thiết lập một vùng an toàn bên trong Syria. Mỹ hỗ trợ nguồn tiền nhưng các quốc gia khác phải tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ nó.

Trump đồng thời tuyên bố sẽ áp dụng trở lại biện pháp thẩm vấn dùng hình thức tra tấn "trấn nước" vốn bị thế giới lên án mạnh mẽ. Ông không quên thêm rằng cách tra tấn kiểu như thế "vẫn chưa đủ khắc nghiệt".

Theo Trump, tra tấn "lúc nào cũng phát huy tác dụng". Ngoài ra, ông sẽ không động đến nhà tù nổi tiếng nghiêm ngặt của Mỹ trên vịnh Guantanamo, Cuba, để tống thêm nhiều phạm nhân nữa vào đây.

 Liệu có những đổi mới vào thời kỳ của ông Trump?

Hạn chế hợp tác với Trung Quốc

Trump có một quan điểm cho rằng Mỹ đang bị các đối tác kinh doanh khai thác và ông sẽ đặc biệt dành cơn thịnh nộ của mình cho Trung Quốc.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ New York Times, Trump cho hay ông có kế hoạch áp đặt mức thuế 45% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thuế khóa: Hào hiệp như tỉ phú Trump!

Ông Trump là một người rất hào hiệp. Ai muốn được giảm thuế thì cứ việc bầu cho ông! Ông tỉ phú chủ trương cắt giảm thuế doanh nghiệp, bỏ thuế đánh vào tài sản của người quá cố, tăng mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân...

Theo tính toán của tổ chức tư vấn chính sách về thuế khóa Tax Foundation (Mỹ), 1% người có thu nhập cao nhất nước Mỹ sẽ được tăng mức thu nhập cao hơn ở tỉ lệ 2 con số, nếu các chính sách của ông Trump được áp dụng. Người nghèo thì không mơ tới điều đó nhưng họ vẫn được lợi: 25% người thu nhập thấp nhất hưởng mức tăng thu nhập 1,9%. Chỉ có "ông chính phủ” sẽ phải gãi đầu, bởi theo phân tích của Tax Foundation, cứ theo kế hoạch của ứng cử viên Trump thì chính phủ sẽ thất thu đến 5,9 nghìn tỉ USD trong vòng 10 năm.

Công việc: Tha hồ làm!

Một khi ông Trump làm tổng thống Mỹ, người dân nước này khỏi phải lo thất nghiệp. Theo lời hứa của ông trùm bất động sản thì một khi nước Mỹ vào tay ông, đến 25 triệu công ăn việc làm sẽ được tạo ra trong vòng 10 năm. Cốt lõi của kế hoạch này là giành lại công ăn việc làm mà theo lời tỉ phú này là Mỹ đã để mất vào tay các nước khác.

BBC đưa tin tỉ phú Trump lên kế hoạch sẽ giảm thuế doanh nghiệp chỉ còn 15% so với 35% hiện nay, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cắt giảm thâm thủng mậu dịch, giảm thuế để tăng công ăn việc làm trên đất Mỹ.

Những điều nhỏ nhặt:

“Tổng thống Trump” sẽ ký kết các sắc lệnh xóa bỏ phần lớn những gì Tổng thống Obama đề ra và ban thưởng cho những người ủng hộ ông. Sắc lệnh có thể bao gồm việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris, khởi động lại dự án đường ống dẫn dầu Keystone, yêu cầu điều tra hoạt động giao thương, và nhiều thứ khác.

“Tổng thống Trump” sẽ nhanh chóng làm việc với Quốc hội để bãi bỏ chính sách Obamacare. Nếu Quốc hội gây trở ngại cho ông về vấn đề này, Donald Trump sẽ tấn công, làm nhục và ức hiếp những thành viên chủ chốt một cách công khai, trong khi thỏa thuận lại những vấn đề này một cách bí mật. Nếu “Tổng thống Trump” thông minh, ông và đồng đội có thể không thực sự bãi bỏ chính sách Obamacare, vì người dân Mỹ thích nhiều đặc điểm của chính sách này và cũng bởi họ không có chính sách thay thế. Có khả năng họ sẽ chỉ điều chỉnh chính sách để khắc phục những vấn đề của chính sách Obamacare.

“Tổng thống Trump” sẽ tiếp tục sử dụng lại phong cách hùng biện mà ông đã sử dụng trong suốt chiến dịch.

 

Tương lai khó đoán định

"Dưới sự lãnh đạo của Trump, chính sách đối ngoại Mỹ sẽ rất chắc chắn và chủ động. Nó sẽ giống với những năm tháng mà Reagan cầm quyền với nền hòa bình được xây dựng thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự chứ không như Nhà Trắng hiện nay với sự do dự và những điểm yếu chết người", nhà kinh tế Peter Navarro từ Đại học California, Mỹ, đánh giá.

Nhưng theo ông Jamie Metzl, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, "thế giới là một hệ sinh thái phức tạp và sự hiếu chiến mà Donald Trump thể hiện trong cuộc đua vào Nhà Trắng là cực kỳ đáng lo ngại".

Ngay cả khi trở thành tổng thống Mỹ, Trump cũng không thể tự ý quyết định mọi việc. Quốc hội và tòa án có quyền ngăn cản mọi chính sách của bất kỳ tổng thống nào. Bên cạnh đó, các nhà hoạt động, ngành công nghiệp và vô số nhóm lợi ích khác nhau đều có tiếng nói của riêng mình. Áp lực từ công chúng là một trong những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng tới các chính sách của Mỹ trên toàn cầu.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang

Tin mới nhất