Đừng bỏ qua 3 lưu ý này về cách ăn uống trong những ngày Tết
Để vui Xuân nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, ăn uống trở thành vấn đề quan trọng khiến không ít người đau đầu. Nên ăn những món gì để sau Tết không trở thành người béo phì hay suy dinh dưỡng? Dưới đây là một số lưu ý trong việc sử dụng thực phẩm ngày tết.
Những món nên dùng:
- Hoa quả tươi, nước ép sinh tố hoặc nước ép trái cây: Đây là nhóm thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích dùng trong dịp Tết thay cho các loại bánh mứt, nước ngọt. Nhóm thực phẩm này vừa là nguồn cung cấp chất khoáng, các lọai vitamin cần thiết và còn là nguồn chất xơ đáng kể để cân đối khẩu phần ăn vốn rất nhiều năng lượng, chất béo và đạm trong những ngày Tết.
Nó cũng góp phần giảm nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Công việc bếp núc và tiếp khách khiến nhiều người quên cả bữa ăn, thậm chí đến lúc ăn thì mệt quá nên không còn muốn ăn. Lúc này, ăn các loại hoa quả sẽ tạo cảm giác khỏe khoắn. Tuy nhiên, nên nhớ rằng hoa quả không thể thay thế được bữa ăn chính.
- Thực đơn nên có nhiều rau củ: Như cải bó xôi, bắp cải, rau muống, cà rốt, súp lơ, cải xoong… Ngoài việc cung cấp các vitamin cần thiết, bữa ăn có nhiều rau củ không chỉ giúp cân đối được lượng dinh dưỡng cao từ các món giàu đạm và béo như thịt mỡ, trứng… mà còn tạo sự ngon miệng cho người ăn. Chất xơ từ các lọai rau củ sẽ giúp cơ thể hạn chế hấp thu chất béo từ bữa ăn.
- Các loại hạt: Hạt dẻ, hạt bí, hướng dương, điều, đậu phộng, các lọai đậu sấy… có thể sử dụng như món ăn vặt nhằm cung cấp thêm các chất béo không no thiết yếu cho cơ thể. Không nên cho trẻ dưới 3 tuổi ăn các lọai hạt này để tránh nguy cơ hạt rơi vào đường thở của trẻ.
- Uống đủ nước: Nên uống nước mỗi ngày từ 1,5 đến 2 lít. Có thể là nước lọc, nước trà, nước trái cây… Khi uống nước nên uống nhiều lần, mỗi lần một chút. Tránh uống nhiều nước trước khi ăn vì sẽ làm đầy bụng, làm giảm lượng thức ăn từ các món khác. Uống nước nhiều lúc ăn còn làm loãng dịch vị nên việc tiêu hóa sẽ gặp khó khăn hơn.
- Sữa và sản phẩm từ sữa: Bận rộn với trăm công ngàn việc, nhiều người dễ bỏ qua bữa ăn. Vì vậy, sữa và sản phẩm từ sữa là thực phẩm rất tốt để bù đắp phần nào sự thiếu hụt dinh dưỡng do bạn bỏ bữa. Tuy nhiên, uống sữa chỉ là giải pháp tạm thời, không nên uống sữa trừ cơm.
Những món hạn chế dùng
- Thực phẩm chế biến sẵn như các loại khô, lạp xưởng, vịt lạp: Ngoài đặc tính dễ bám bụi, khói và chứa nhiều chất phụ gia, các thực phẩm này còn là môi trường thuận lợi cho nấm mốc và vi trùng phát triển nếu không được bảo quản tốt. Khi mua nên chọn cơ sở sản xuất có uy tín. Hạn chế cho trẻ em sử dụng vì nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và dị ứng rất cao.
- Mứt, bánh ngọt: Khi chế biến, các nhà sản xuất thường cho nhiều đường ngọt và hầu như không có những dưỡng chất cần thiết. Các loại thức ăn vặt như snack cũng không là thực phẩm bổ dưỡng. Vì vậy, nên hạn chế cho trẻ sử dụng cũng như không nên dùng thường xuyên.
- Nước có ga, nước hương trái cây: Chủ yếu làm từ chất tạo ngọt và hương liệu công nghiệp, không cung cấp được những dưỡng chất cần thiết mà còn khiến cơ thể có cảm giác đầy bụng. Nhóm thức uống này chỉ nên dùng chút ít trong bữa tiệc. Không nên cho trẻ dùng nhiều nước này vì trẻ sẽ giảm ăn bữa chính, đối với trẻ béo phì sẽ càng làm trẻ tăng cân nhiều hơn.
- Bia- rượu: Trong những thức uống này đều có chứa một lượng cồn khá cao sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận, dạ dày, thần kinh và nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Với người bình thường cũng chỉ nên sử dụng có giới hạn. Riêng phụ nữ mang thai, không nên dùng vì sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi, không nên cho trẻ em sử dụng dù chỉ là “vui một tí”.
- Rau sống-các món ăn tái: Cần thận trọng khi sử dụng rau sống (phải rửa thật kỹ, ngâm nước muối), hạn chế ăn các loại thịt, cá tái vì rất dễ bị nhiễm giun sán. Với phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm giun sán sẽ rất nguy hiểm vì không thể uống thuốc tẩy giun, dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở thai phụ.
- Các loại dưa muối: Như dưa giá, dưa cải, kiệu, dưa món… Không nên ăn nhiều do những thực phẩm này chứa rất nhiều muối có thể làm tăng huyết áp sẽ rất bất lợi nhất là đối với người có tuổi. Phụ nữ mang thai cũng cần hạn chế các món ăn này vì không chứa nhiều dưỡng chất nhưng lượng muối cao có thể làm tăng huyết áp và tăng tình trạng phù ở thai phụ.
Phòng bệnh ngày Tết
Nếu bạn đang có bệnh hoặc cơ thể không khỏe, việc ăn uống mấy ngày Tết cần thận trọng hơn:
Không nên ăn thực phẩm sinh lạnh, khó tiêu và chua như chanh, mơ và các loại gia vị như chanh, mơ và các loại gia vị như tiêu, ớt, tỏi... nếu bị viêm loét bao tử.
Những thức uống kích thích như trà, cà phê, rượu hoàn toàn không thích hợp nếu bạn bị suy nhược thần kinh, vì chúng có khuynh hướng làm khó ngủ.
Bia rượu, thực phẩm béo và ngọt người bị bệnh viêm gan cấp tính không nên ăn uống.
Nếu bị viêm thận, bạn cần hạn chế tối đa thực phẩm mặn và nhiều protein như dưa nộm, dưa muối, nước mắm, thịt bò, trứng, chuối và thịt dê.
Nếu có bệnh tiểu đường, không nên ăn thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, mứt, kẹo...
Những người có bệnh đường ruột cần kiêng ăn thực phẩm có tính lạnh như dưa hấu, lê, vải, nhãn, không uống rượu và mật ong.
Da gà, đồ hộp, thịt vịt cần tránh đối với người bị viêm tuyến tuỵ và mật.
Các món chiên, nướng nếu bị cao huyết áp cũng không nên ăn.
Cuối cùng, dù là ngày Tết bạn cũng nhớ rèn luyện thể chất đều đặn. Điều này giảm bớt những căng thẳng, đặc biệt khi bạn phải đi đây đó nhiều. Hãy thu xếp thời gian biểu hợp lý để bảo đảm tập đủ mỗi ngày từ 15 đến 30 phút.
Tác giả: Hang Dinh