Hóc hạt dưa, hạt bí
Theo các bác sĩ tai - mũi - họng, hóc xương cá, xương heo, xương gà là những loại hóc thường gặp khi ăn uống. Nhưng ba ngày Tết, còn có thêm nhiều loại hóc bởi hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí và các loại hạt trái cây khác như hạt mãng cầu, hạt sapôchê, hạt vú sữa... mà trong những ngày Tết lượng sử dụng nhiều hơn (thường các hạt hay rơi vào đường thở và được xem là tối cấp cứu).
Những sự cố do ăn uống dễ xảy ra nhiều hơn, có nhiều trường hợp bị tai nạn do không cẩn thận khi nhai nuốt. Theo các bác sĩ cảnh báo thì trong ba ngày Tết, không nên cho trẻ nhỏ tự ăn hạt dưa, hạt bí... vì rất dễ bị hóc, nhất là hạt bị rớt vào đường thở, rất nguy hiểm. Nếu bé đang ngậm hạt gì đó thì hãy bình tĩnh, dụ bé nhả ra, đừng quýnh lên mà la ó, làm bé hoảng sợ, khóc, há miệng, tạo lực hút khiến hạt rất dễ rơi vào khí quản. Kể cả người lớn, trong lúc ăn uống mà cười giỡn cũng rất dễ bị hóc!
Ngộ độc thực phẩm
Việc mua và dự trữ quá nhiều thực phẩm (thịt giò, chả, nem, các loại thuỷ hải sản, các loại bánh kẹo, mứt) gây khó khăn trong việc bảo quản sử dụng, đặc biệt với các thực phẩm chế biến sẵn.
Ngoài ra, rất nhiều thực phẩm còn tồn dư hoá chất bảo vệ như phốtpho hữu cơ, clo hữu cơ, chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, phẩm màu không rõ nguồn gốc, hàn the trong giò, chả... cũng khiến cho các vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao trong dịp tết.
Sử dụng quá nhiều loại thực phẩm đông lạnh, đồ nguội rất dễ gây ngộ độc. Nếu sử dụng phải thực phẩm không được kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh, rượu giả... thì có thể nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm.
Người bệnh khi bị ngộ độc thường biểu hiện bằng hội chứng viêm dạ dày ruột xâm lấn: đau quặn bụng đi ngoài nhiều lần, phân có máu, nôn mửa, sốt, mệt do thiếu dịch và điện giải. Nguy hiểm hơn cả là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) nhóm huyết thanh O1 là tác nhân gây bệnh lan truyền thành dịch mà ở nước ta vừa trải qua.
Các bác sĩ khuyến cáo, không nên ăn quá no, uống quá nhiều trong một bữa và trong cả ngày. Không nên chế biến nhiều thực phẩm, để tủ lạnh lâu và nấu lại nhiều lần. Không nên ăn nhiều thịt, thực phẩm rán, chiên nhiều mỡ dầu, hạn chế thực phẩm có đường ngọt. Không uống nhiều loại nước ngọt, hạn chế tối đa uống rượu và bia. Thức ăn cần nấu chín, hạn chế rau sống. Tránh lạnh, ăn ngủ điều độ.
Ngộ độc rượu
Rượu bia vốn luôn có mặt trong các bữa ăn, bữa nhậu ngày tết. Rất nhiều loại rượu có nhãn mác nước ngoài rất khó kiểm soát thật giả, chất lượng cũng khó biết, chưa kể các loại rượu do dân tự nấu không đảm bảo vệ sinh, rất dễ gây ngộ độc.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, cho gia đình và xã hội, mọi người lưu ý không uống các loại rượu không có nhãn mác, rượu tự pha chế không có chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, rượu sản xuất ở các cơ sở không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh; không tự mua thuốc Bắc, tự mua hay sưu tầm cây, con theo kinh nghiệm về ngâm để uống; tuyệt đối không dùng rượu quá liều lượng, quá mức độ như uống say, quá say.
Nếu có dấu hiệu bất thường liên quan đến uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý kịp thời.
Ngộ độc rượu không chỉ gây hại cho sức khoẻ mà có thể gây tử vong: bệnh nhân hôn mê sâu, hạ đường huyết, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim và xa hơn là tàn phá dần gan của người quen uống rượu. Ngộ độc rượu có methanol (pha từ cồn công nghiệp) thì cực kỳ nguy hiểm, nếu cứu sống được người bệnh cũng có thể mù suốt đời vì biến chứng.