Hãng tin Reuters mới đây đã đăng tải tóm tắt kết quả một số nghiên cứu mới nhất về COVID-19. Các nghiên cứu này hiện vẫn chưa được bình duyệt, tuy nhiên sẽ giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về virus SARS-CoV-2.
Trong số ba nghiên cứu mới này, nghiên cứu được chú ý nhất là của các nhà khoa học Mỹ về thời gian một người mắc COVID-19 có thể lây virus cho người khác. Hãy cùng tìm hiểu về chi tiết ba nghiên cứu này.
F0 có thể lây lan virus trong bao lâu?
Theo một nghiên cứu nhỏ, bệnh nhân bị nhiễm biến thể Omicron và biến thể Delta của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cho người khác trong ít nhất 6 ngày.
Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 56 bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc COVID-19, trong đó có 37 người nhiễm biến thể Delta và 19 người nhiễm biến thể Omicron. Tất cả đều bị bệnh nhẹ, có các triệu chứng giống như cúm, và không ai phải nhập viện.
Kết quả là: Cho dù người bệnh nhiễm biến thể nào và đã được tiêm vaccine hay chưa, họ "trung bình loại bỏ virus sống trong khoảng 6 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu", Tiến sĩ Amy Barczak của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, Mỹ, một trong những người tham gia nghiên cứu, cho biết.
Bên cạnh đó, cứ 4 người mắc COVID-19 thì có 1 người đào thải virus sống trong vòng hơn 8 ngày, theo kết quả nghiên cứu.
Nghiên cứu vừa được đăng tải trên nền tảng medRxiv trước khi được bình duyệt.
Tiến sĩ Barczak cho biết thêm: "Mặc dù không biết chính xác cần bao nhiêu virus sống để truyền bệnh cho người khác, nhưng chúng tôi lấy những dữ liệu này để gợi ý rằng những người bị nhiễm COVID-19 nhẹ có thể lây nhiễm cho người khác trung bình trong 6 ngày và đôi khi lâu hơn".
"Các quyết định về cách ly và đeo khẩu trang phải tính đến những thông tin đó, bất kể biến thể hoặc tình trạng tiêm chủng trước đó của người bệnh".
Dị tật tim làm tăng nguy cơ trở nặng, tử vong đối với bệnh nhân COVID-19 nhập viện
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết những người bị dị tật tim bẩm sinh mắc COVID-19 phải nhập viện sẽ có nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn.
Phát hiện được rút ra từ một nghiên cứu so sánh 421 bệnh nhân bị dị tật tim phải nhập viện vì COVID-19 với 235.638 bệnh nhân có tim bình thường nhập viện vì COVID-19.
Sau khi các nhà nghiên cứu xem xét các yếu tố nguy cơ khác của bệnh nhân, họ phát hiện những người bị dị tật tim bẩm sinh có nguy cơ nhập phòng chăm sóc đặc biệt cao hơn 40%, khả năng cần thở máy cao hơn 80% và tử vong tại bệnh viện cao hơn hai lần so với bệnh nhân trong nhóm đối chứng.
Nghiên cứu vừa được công bố hôm qua trên tạp chí Circulation.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những bệnh nhân nhập viện với dị tật tim bẩm sinh và một bệnh nền khác thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.
"Những người bị dị tật tim nên được khuyến khích tiêm vắc xin và liều tăng cường phòng COVID-19 và tiếp tục thực hành các biện pháp phòng ngừa bổ sung đối với COVID-19, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách", trưởng nhóm nghiên cứu, Karrie Downing đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết trong một tuyên bố.
Thuốc phù mạch có triển vọng trong điều trị COVID-19
Các nhà nghiên cứu Đức cho biết một loại thuốc được sử dụng để điều trị phù mạch đã cho thấy nhiều triển vọng trong điều trị COVID-19 trong phòng thí nghiệm.
Thuốc Icatibant, được bán với tên Firazyr bởi Công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản, đã có thể ngăn chặn một protein gọi là thụ thể bradykinin b2. Protein này được điều chỉnh bởi protein ACE2 trên bề mặt tế bào, loại protein mà coronavirus sử dụng như một cửa ngõ để lây nhiễm.
Khi các nhà nghiên cứu phân tích các tế bào lấy từ mũi bệnh nhân COVID-19 mới được chẩn đoán, họ nhận thấy mức độ thụ thể bradykinin b2 tăng cao.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu việc ngăn chặn bradykinin b2 bằng thuốc icatibant có thể bảo vệ các tế bào niêm mạc đường hô hấp chống lại coronavirus hay không.
Adam Chaker đến từ Đại học Kỹ thuật Munich, Đức, một trong các nhà khoa học đứng đằng sau nghiên cứu, đã báo cáo kết quả hôm thứ 7 tuần trước trên Tạp chí Y học Phân tử.
"Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, icatibant đã có hiệu quả làm giảm hơn 90% tải lượng virus và bảo vệ các tế bào đường hô hấp trước nguy cơ bị chết do nhiễm SARS-CoV-2", các nhà khoa học viết.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Icatibant sử dụng các con đường sinh hóa khác nhau để bảo vệ đường thở so với thuốc steroid.
Trong các thí nghiệm trên ống nghiệm, việc dùng icatibant lặp đi lặp lại không ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm coronavirus, nhưng làm giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng.
Các nghiên cứu quan sát nhỏ trước đây đã gợi ý rằng icatibant có thể mang lại một số lợi ích cho bệnh nhân COVID-19. Chaker cho biết giờ đã đến lúc "các thử nghiệm lâm sàng mù đôi, có đối chứng với giả dược... được tiến hành trên những bệnh nhân có nguy cơ cao để thấy được tiềm năng sử dụng icatibant như một phương pháp điều trị bổ sung ở giai đoạn đầu của bệnh".
Tác giả: Thạch Thảo
-
F0 uống nước dừa cực tốt cho việc phục hồi, đào thải nhanh virus, nhưng có 6 nhóm người cần tuyệt đối tránh xa
-
Nhiều F0 bị chứng mất ngủ "hành hạ", trằn trọc cả đêm: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và cách điều trị
-
Sau khi khỏi bệnh quay trở lại cuộc sống bình thường: 3 điều F0 phải làm đúng để phòng tái nhiễm
-
F0 có thể loại bỏ hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể: Chuyên gia nói rất khó
-
Sau 50t, không phân biệt nam nữ, gặp 4 dấu hiệu này khi đi bộ chứng tỏ sức khỏe rất kém, đừng chủ quan