F0 khỏi bệnh bao lâu thì có nguy cơ tái nhiễm: Bác sĩ Trương Hữu Khanh trả lời

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay, tình trạng tái nhiễm Covid-19 đang trở nên ngày càng phổ biến. Nhiều người lo lắng không biết nếu F0 đã khỏi bệnh thì bao lâu có thể dương tính lại.

Hiện nay, rất nhiều người lo ngại về nguy cơ tái nhiễm COVID-19. Chị Thu Trang (32 tuổi tại Hà Nội) không may mắc Covid-19, lây từ một thành viên trong gia đình. Chị Trang có các triệu chứng như sốt, ho và mất mùi vị. Điều trị tại nhà sau 7 ngày, chị Trang hết các triệu chứng, test nhanh âm tính.

Khoảng một tháng sau, cơ quan nhiều trường hợp F0, chị Trang trở thành F1. Chị Trang có test thì kết quả dương tính. Tuy nhiên, lần tái dương tính này của chị Trang gần như không có triệu chứng.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Thành Nam (Thanh Oai, Hà Nội) cũng tái dương tính chỉ sau 1 tháng mắc Covid-19. Anh Nam mắc Covid-19 lần đầu tiên là do lây tại cơ quan. Một tháng sau con anh đi học nhiễm virus tại trường. Trong quá trình chăm sóc và tiếp xúc với con dù đã có mang khẩu trang, khử khuẩn nhưng anh Nam vẫn bị tái dương tính.

Liên quan tới vấn đề này, TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) - cho biết sau 1, 2 tháng từ khi khỏi bệnh, người bệnh có khả năng tái nhiễm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đầu tiên là do nồng độ kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian.

Thứ hai, tái nhiễm Covid-19 sẽ là tái nhiễm các biến chủng khác nhau. Sự khác biệt giữa các protein gai của các biến chủng càng lớn, khả năng miễn dịch chéo càng thấp. Điều này có nghĩa là miễn dịch của cơ thể tạo ra để chống lại biến chủng này không đủ để ngăn cản biến chủng sau. Ví dụ, lần đầu bạn nhiễm chủng Delta, lần sau bạn vẫn có nguy cơ nhiễm chủng Omicron.

TS. Minh cho hay: "Trường hợp đã nhiễm Omicron, rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng. Do hệ miễn dịch đã học được cách tấn công lại virus. Việc tái nhiễm 2 biến chủng khác nhau có thể xảy ra nhưng thời gian tái nhiễm thường từ 1 tháng trở lên".

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Bệnh viện Quân y 103, cho rằng sau khi khỏi Covid-19, cơ thể bệnh nhân có kháng thể chống lại virus. Trường hợp tái nhiễm có thể xảy ra nhưng thường tái nhiễm chủng khác. Ví dụ bạn mắc Delta, lần tái nhiễm bạn có thể mắc chủng Omicron. Thứ 2, việc tái nhiễm phải xảy ra sau một khoảng thời gian nhất định khi kháng thể bị giảm đi.

"Hiện chưa có nghiên cứu chính xác về khoảng thời gian kháng thể bị giảm đi nhưng khoảng từ 1- 3 tháng, kháng thể sẽ không có tác dụng bảo vệ nữa, yếu đi. Điều này cũng giống như chúng ta tiêm vắc xin, theo thời gian kháng thể cũng sẽ giảm dần", bác sĩ Hiệp nói.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, việc tái nhiễm Covid-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau. Mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19.