Mới đây, chia sẻ trên Vietnamnet, PGS. TS. Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, việc phục hồi chức năng hô hấp vô cùng quan trọng giúp thông khí, làm sạch phổi, đẩy được các cặn khí từ phế nang, tiểu phế quản ra bên ngoài.
Trong quá trình theo dõi Covid-19 tại nhà, việc tập các bài tập phục hồi chức năng hô hấp vô cùng quan trọng. Chúng sẽ giúp giãn nở lồng ngực, đẩy được dịch hô hấp ra ngoài và tăng cường sức mạnh của các cơ hô hấp đang tham gia vào các hoạt động của đường hô hấp.
Người bệnh có thể áp dụng các bài tập thở ở nhà như:
Tập thở chúm môi
Tác dụng: làm giãn nở lồng ngực tối đa làm tăng thông khí.
Cách làm: hít sâu từ từ bằng mũi để huy động tối đa khí vào phổi, lồng ngực giãn ra, sau đó chúm môi thở ra từ từ bằng miệng.
Tập thở cơ hoành
Tác dụng: tăng đào thải cặn khí ra khỏi phổi, làm long đờm hoặc dịch từ các cơ quan tận cùng của phổi là phế nang. Tập thở cơ hoành để oxy vào sâu tận các phế nang làm cho đường thở thông thoáng hơn.
Cách làm: hít vào từ từ bằng mũi sao cho phồng bụng lên; sau đó từ từ thở ra bằng miệng sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào, bụng hóp lại, huy động tối đa cơ hoành để tăng đào thải khí cặn từ các tiểu phế quản, phế nang giúp di chuyển các dịch tiết ra ngoài.
Kỹ thuật ho hữu hiệu
Ho là động tác bảo vệ của cơ thể để tống các chất tiết đường hô hấp ra bên ngoài. Khi nhiễm Covid-19, bạn không nên lạm dụng thuốc giảm ho vì giảm ho có thể làm ứ dịch đường thở và khiến đờm không thải được ra ngoài.
Cách làm: thở chúm môi 5 đến 10 phút để đẩy đờm từ phế nang, phế quản nhỏ ra. Sau đó, tròn miệng hà hơi từ 5 tới 10 lần với tốc độ tăng dần để đẩy đờm dần ra bên ngoài; hít thật sâu và ho hai lần để tống đờm ra. Việc này cũng cần làm đúng kỹ thuật để đạt được hiệu quả tốt nhất và tống được đờm dịch ra khỏi cơ thể.
Thở chu kỳ chủ động
Tác dụng: thông khí tốt, tống đờm hoặc chất dịch hô hấp ra ngoài.
Cách làm: đầu tiên người bệnh thở có kiểm soát, co giãn lồng ngực, hà hơi và lặp đi lặp lại. Thở có kiểm soát, hít thở nhẹ nhàng trong 20 – 30 giây.
Hít thật sâu vào bằng mũi cho căng giãn lồng ngực, nín thở 2 - 3 giây rồi thở ra nhẹ nhàng. Lặp lại thao tác này từ 2 - 3 lần.
Sau đó, hít thật sâu, nín thở 2 – 3 giây và tròn miệng hà hơi, đẩy dòng khí ra ngoài, lặp lại 2 – 3 lần.
Bài tập thở với bóng cao su
Có thể tập thở bằng bóng cao su mua tại cửa hàng thiết bị y tế.
Tác dụng: tránh xẹp phổi, tăng cường chức năng phổi.
Cách làm: hít thật sâu để khí vào lồng ngực, sau đó thổi thật hết vào quả bóng để bóng càng cao càng tốt. Điều này giúp thải khí cặn ở trong phổi ra ngoài để phổi có chỗ chứa nhiều oxy hơn.
Theo PGS Phương, các kỹ thuật tống đờm ra ngoài thực hiện khi bệnh nhân có triệu chứng ho lọc xọc, có viêm long đường hô hấp. Khi phục hồi chức năng hô hấp cần thực hiện đeo khẩu trang y tế, sử dụng cốc đựng đờm có nắp để ngăn ngừa phát tán virus ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân Covid-19 cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng và uống đủ lượng nước được khuyến nghị để việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.
F0 mất vị giác, khứu giác làm gì khi chán ăn?
Mất vị giác, khứu giác là 2 triệu chứng đặc trưng của Covid-19. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, triệu chứng này sẽ khiến F0 chán ăn do khi ăn không cảm nhận được mùi vị thơm ngon của thực phẩm.
Lúc này, chúng ta cần chăm sóc về dinh dưỡng cho F0 một cách đầy đủ, khoa học. “Trong lúc cơ thể đang bị virus tấn công nếu không bổ sung dinh dưỡng sẽ có nhiều nguy cơ trở nặng. Đặc biệt khi F0 có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, bị mất năng lượng, nhu cầu chuyển hóa cao hơn bình thường. Việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể là vô cùng quan trọng”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Theo PGS.TS Lâm, có nhiều cách để giúp F0 mất vị giác, khứu giác có thể ăn uống. Ví dụ người bệnh chưa thể ăn hoặc không muốn ăn cơm, chúng ta chuyển sang ăn cháo, súp để dễ ăn, dễ nuốt.
Chúng ta cũng cần chia nhỏ bữa ăn để phục hồi dinh dưỡng dần dần. Ngoài ra, người chế biến món ăn có thể cho thêm các loại gia vị (tỏi, ớt, hạt tiêu…), các loại rau thơm (hành, ngò…) trong khẩu phần ăn của người bệnh.
Khi nấu, giá trị dinh dưỡng bát cháo, súp là quan trọng nhất. Ngoài gạo, thịt chúng ta cần có thêm chất béo. “Người Việt thường quan niệm ăn chất béo không tốt nhưng khi chế biến bữa ăn cho người bệnh Covid-19, chúng ta nên thêm chất béo. Ví dụ bát nhỏ cháo có thể thêm 10g dầu ăn để tăng năng lượng khẩu phần. Bên cạnh đó, chúng ta kết hợp ăn nhiều bữa, mục đích đáp ứng khẩu phần chính trong ngày cho người bệnh”, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ.
Ngoài ăn bằng đường miệng, những trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng phải ăn qua ống sonde dạ dày. Trường hợp nặng hơn, các bác sĩ phải tiến hành nuôi ăn tĩnh mạch để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, các F0 nên bổ sung các đa vi chất dinh dưỡng (trẻ em có dạng siro, dạng bột, cốm… người lớn là dạng viên). Các vi chất có tác dụng nâng cao kháng thể ví dụ vitamin A, D, C, kẽm, sắt, dầu cá ĐHA, lợi khuẩn...
F0 còn có thể bổ sung sữa chua ăn, sữa chua uống.
Chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với liệu pháp điều trị giúp ngăn ngừa, hỗ trợ và khắc phục tình trạng nhiễm trùng, góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch người bệnh cần được theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nguyên tắc chung đối với dinh dưỡng dành cho người nhiễm Covid-19 là ăn bình thường, đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm.
F0 cần bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, Tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (đạm), tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, người bệnh phải uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.
Tác giả: Vũ Ngọc