Hình ảnh những người đàn ông hút thuốc ngang nhiên phả khói tại nơi công cộng đã không còn quá xa lạ trong cuộc sống thường nhật. Mặc dù biển cấm hút thuốc lá được dán khắp nơi nhưng vẫn còn rất nhiều người thiếu ý thức không chấp hành. Mọi người vẫn nghĩ người chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là người hút, gây hại đến phổi, hệ hô hấp và là nguyên nhân hàng đầu của ung thư, gây chứng mất ngủ, vàng răng... Thế nhưng, thật bất ngờ khi “nạn nhân” hít phải khói thuốc lá bị động lại gặp nguy hiểm nặng nề hơn cả người hút thuốc. Họ không ai khác lại là những người thân xung quanh, là người vợ, là con cái của người hút thuốc.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hút thuốc lá chủ yếu ở nam giới: bởi áp lực từ công việc, cuộc sống thường ngày, khi họ cần sự tỉnh táo, sự thoải mái, giảm căng thẳng hoặc do họ nghiện thuốc lá bởi chất nicotine có trong thuốc lá. Chủ quan có, khách quan có nhưng vô tình chính sự ích kỉ của họ đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường. Theo số liệu của WHO, khói thuốc lá thụ động chứa tới 7000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và không có ngưỡng nào là an toàn cho việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Người thường xuyên hít phải khói thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25-30%, mắc bệnh phổi lên 20-30% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%.
Chính vì vậy, nếu bạn có suy nghĩ rằng chỉ những người hút thuốc lá mới mắc bệnh, muốn “đốt thuốc” chỉ cần ra ngoài hút thuốc, tránh sự có mặt của mọi người xung quanh thì sẽ bảo vệ được tối đa sức khỏe của mọi người thì đó là quan niệm sai lầm.
Trường hợp của gia đình chị A.N ( Hà Nội) là một điển hình. Ban đầu, con chị bị ho kéo dài vậy mà chỉ trong một ngày, cơn ho của con đã chuyển biến thành hen phế quản, phổi có tiếng rít. Gia đình đã phải đưa bé đi cấp cứu vì tình trạng của bé lên cơn khó thở. Chị A.N chia sẻ: “Sau khi thăm khám, kê đơn, bác sĩ có hỏi thăm và giải thích cho chị về nguyên nhân dẫn đến tình trạng của bé. Bác sĩ chắc chắn rằng với một đứa trẻ sức đề kháng kém như con thì hơi, khói thuốc chính là nguyên nhân kinh khủng nhất khiến bé dẫn đến tình trạng này”.
Theo như chị A.N cho biết, ở nhà thường có ông trẻ và bố bé hay hút thuốc, nhưng mọi người luôn đi ra ngoài hút, không hút trước mặt bé. Có thể thấy, việc khói thuốc bay đi chỉ là một phần của câu chuyện về sự độc hại nghiêm trọng mà thuốc lá đem lại. Điều đáng nói ở đây chính dù không phả khói trước mặt nhưng hơi thuốc của người hút vẫn còn đó, quẩn quanh người hút, ám lên quần áo, đầu tóc, quan trọng hơn cả đó là hơi thuốc vẫn còn trong miệng người hút, khi nói chuyện sẽ phả ra là một trong những tác nhân gây bệnh hàng đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ nói riêng và mọi người xung quanh nói chung. Chủ yếu trẻ nhỏ khi hít phải hơi, khói thuốc lá sẽ rất dễ mắc phải những bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, hen phế quản, những trường hợp nặng hơn còn bị viêm phổi cấp,...
Không chỉ trẻ nhỏ, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai cũng là một trong những nạn nhân đầu tiên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của hung thần "khói trắng". Chị H (41 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) phát hiện mình bị căn bệnh ung thư phổi cách đây bốn năm. Mặc dù không hút thuốc nhưng chị thường tiếp xúc với môi trường khói thuốc và chồng chị cũng hút thuốc rất nhiều. Chị H chia sẻ: “Từ ngày biết vợ mắc bệnh thì chồng mình đã rất hối hận, quyết tâm bỏ thuốc lá, chăm chỉ làm lụng. Tuy nhiên, chồng chị nói mà không thực hiện được, có bao nhiêu tiền cũng để dành mua thuốc lá, kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp nay lại càng trở nên khó khăn hơn”. Mơ ước của chị H hiện tại chỉ mong được sống lâu hơn để báo hiếu bố mẹ già, chăm lo cho gia đình nhỏ. Thật đáng buồn khi mà đang ở độ tuổi viên mãn nhất của người phụ nữ, chị H lại đang phải đối mặt với bản án tử thần. Bao ước mơ, hy vọng còn dang dở về tương lai hạnh phúc cùng các con thơ đang tan dần theo làn khói thuốc. Trên thực tế, thuốc lá không phải nguyên nhân chính gây ra những căn bệnh về tim mạch, về ung thư phổi, ung thư vú… ở phụ nữ nhưng nó lại là nguyên nhân hàng đầu góp phần làm cho phụ nữ dễ mắc những căn bệnh trên và làm cho những căn bệnh quái ác này trở nên nghiêm trọng hơn.
Có thể thấy, người phụ nữ trong gia đình thường khuyên người thân bỏ thuốc lá, vì lo cho sức khỏe của người cha, người chồng… Tuy nhiên, họ lại quên mất rằng bản thân mình cũng trực tiếp phải chịu những hiểm họa tiềm ẩn từ khói thuốc lá cao hơn cả người hút. Thiết nghĩ, mọi người xung quanh nói chung và những người đàn ông trong gia đình nói riêng hãy gạt cái tôi, cái ích kỷ của bản thân sang một bên, hãy nghĩ tới người thân, những đứa con mà từ bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ. Đừng chỉ vì sở thích, ham muốn cá nhân để bản thân phải hối hận, phải dằn vặt về những hệ lụy đáng tiếc do khói thuốc gây nên. Hãy là người có ý thức và trách nhiệm, hãy nói không với thuốc lá.
Tác giả: