Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2018 - 2019, quy mô học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp đều tăng. Cụ thể, học sinh lớp 1 sẽ cao hơn khoảng 20.000, lớp 6 tăng 11.000 và lớp 10 tăng 24.000 so với năm học trước. Vì vậy mà nhiều cơ sở phải cải tạo, mở rộng thêm dãy nhà, lớp học để chuẩn bị cho năm học mới.
Bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng trường TH Đông Thái, Hà Nội cho biết:
Trường tôi được cải tạo mở rộng thêm 1 dãy nhà nữa và toàn bộ dãy lớp học này chủ yếu là để dành cho các phòng chức nang để các con có điều kiện học tốt nhất, đáp ứng 100% nhu cầu của nhân dân trên địa bàn địa phương có đủ chỗ học.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 575 dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở thương mại. Để giảm áp lực đầu vào các cấp, TP thực hiện từ nay đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 là dành quỹ đất xây dựng trường học khi đầu tư các dự án phát triển nhà ở và đô thị. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng thêm các trường công lập còn thiếu, để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, giảm số học sinh/lớp và số lớp/trường theo quy định.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng giáo dục quận Tây Hồ chia sẻ: "Cũng do chuẩn bị từ nhiều năm năm nay số lượng phòn học khối THCS và Tiểu học tăng lên cụ thể như là ở THCS sẽ tăng thêm 8 phòng học còn tiểu học sẽ tăng thêm 10 phòng học nên chắc chắn nhu cầu của học sinh trên địa bàn quận tây Hồ sẽ được đáp ứng tốt nhất"
Ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cho rằng việc rà soát và có kế hoạch để sắp xếp bổ sung cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu này không chỉ riêng quận huyện nào mà trực tiếp thành phố làm việc với 30 quận huyện quan tâm nhiều tới các điều kiện chuẩn bị chỗ học cho học sinh cho đủ trường lớp.
Dù nỗ lực mở rộng thêm trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, song Hà Nội cũng như các thành phố lớn luôn gặp khó khăn bởi việc xây dựng trường, lớp không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và khu đô thị.
Tác giả: Phùng Thu Thủy