Hà Nội là khu đô thị lớn tập trung mật độ dân số cao, là đầu mối giao thương trong và ngoài nước nên diễn biến dịch bệnh diễn ra rất phức tạp. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong vòng 10 năm qua, trung bình mỗi năm ghi nhận 5.000- 6.000 mắc dịch sốt xuất huyết dengue. Trong đó có một số năm tăng cao như năm 2009 với hơn 16.000 ca, 4 người tử vong, năm 2015 hơn 15.000 bệnh nhân.
Giải thích về tình trạng này, GĐ Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho hay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển gây dịch. Những nơi tồn tại nhiều phế thải với mật độ dân cư cao như các khu chợ, công trường xây dựng, nhà trọ tạm bợ sẽ là nơi lý tưởng cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi phát triển. Công với thời tiết diễn biến thất thường, nhất là trong mùa mưa ẩm mốc là điều kiện rất tốt cho các loại dịch bệnh bùng phát.
Vì thế mặc dù tính từ đầu năm nay, Hà Nội chỉ ghi nhận 59 ca mắc bệnh, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (382 ca), tuy nhiên với các yếu tố như trên nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết là rất lớn.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dịch sốt xuất huyết năm 2017 bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4 và kết thúc muộn. Vì thế, trong năm nay, Hà Nội cần lưu ý làm tốt công tác phòng chống dịch ngay từ đầu năm.
Bộ Y tế cho hay, bọ gậy là nguyên nhân mang đến dịch sốt. Cần tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy đến từng hộ gia đình, phun hóa chất diệt muỗi ngay khi chỉ có một bệnh nhân. Bên cạnh đó người dân nên thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Sốt xuất huyết là bệnh có tính truyền nhiễm cao, khi đã có 5-7 bệnh nhân nghĩa là có nhiều người nhiễm nhưng chưa phát bệnh, họ di chuyển đi các nơi khác và dễ dàng gây bệnh cho những người xung quanh. Nếu như có những biểu hiện nào của sốt xuất huyết như sốt cao không thuyên giảm từ 39-40 độ C, ho khan, rát họng, phát ban, chảy máu chân răng, máu cam… nên tới ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời tránh lây lan cho những người xung quanh.
Tác giả: