Hoa hồng ngày một cỗi, làm đúng mẹo nhỏ này mầm cây lên xanh mơn mởn, hoa nở rộ đúng Tết

( PHUNUTODAY ) - Cây hoa hồng cần trải qua một số công đoạn đặc biệt để có thể nở hoa đúng Tết, thao tác không thể thiếu là cắt tỉa cành và hoa.

Việc cắt tỉa cho hoa hồng sau một chu kỳ hoa là rất quan trọng, cắt tỉa giúp bạn chủ động trong việc chọn thời điểm muốn cây ra hoa, loại bỏ được hoa tàn, cả những cành, lá bệnh, cũng như nguy cơ nảy sinh bệnh cho cây, từ đó các chồi bật lên mạnh mẽ, khỏe và đều tăm tắp.

Thời điểm để cắt tỉa cây hồng

Thời điểm cắt tỉa phụ thuộc lớn vào bản chất của giống hoa mà bạn đang sở hữu, cụ thể hơn chính là chu kỳ ra hoa. Theo những kinh nghiệm mà chị Hằng chia sẻ, có thể phân ra thành những nhóm sau:

- Đối với những giống hồng nội, hồng bụi ngoại nhập sai hoa, có độ lặp hoa nhanh, thường từ 25-40 ngày như: hồng cổ Hải Phòng, hồng cổ Sapa, hồng Terraza… Chúng ta cần căn cứ vào tình trạng thực tế của cây mà cắt tỉa khoảng 1-2 lần để cây ra hoa vào đúng dịp Tết.

- Trong trường hợp của những giống hồng ngoại có chu kỳ lặp hoa dài (chủ yếu là hồng leo) từ 55-65 ngày thì bây giờ chính là “thời điểm vàng” cho việc cắt tỉa để có một cây hoa nở rộ vào dịp Tết.

Cách cắt tỉa

- Cần cắt bỏ hết những cành bị bệnh, cành đã chết và những cành phát triển ốm yếu (thường là những cành có đường kính nhỏ nằm ở sát gốc) để cây đảm bảo đủ năng lượng phát triển cũng như cho ra lứa hoa Tết bền, đẹp.

- Một cành hồng thường chia làm ba phần là phần ngọn – phần bánh tẻ - phần gốc. Nếu ta càng cắt sâu vào gốc cành thì cành mới sẽ càng mập và to khỏe, hoa to và bền nhưng thời gian ra hoa lâu hơn. Ngược lại càng cắt sát phần ngọn (cắt hớt) thì lặp hoa càng nhanh nhưng đổi lại mầm bật yếu hơn, hoa nhỏ, không bền và đậm màu bằng. Thông thường ta cắt tỉa vào 3-5 mắt lá (tính từ ngọn).

- Khi cắt tỉa cần sử dụng kéo chuyên dụng có lưỡi sắc bén để vết cắt thật ngọt, không làm dập cành. Ngoài ra, cần cắt vát theo góc 45 độ là tối ưu nhất. Không được cắt vào thời điểm trời đang mưa hay nắng gắt.

- Các giống hồng leo có tính hướng quang mạnh. Do đó, chúng ta cần vặt (thay vì dùng kéo cắt) những lá già, lá bị bệnh. Kết hợp với thao tác uốn cong thân để cây bật nhiều mầm nụ có khả năng ra hoa.

Chăm sóc cây hồng sau khi cắt tỉa

a. Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây

Sau khi cắt tỉa cần đảm bảo đất đủ ẩm cũng như bổ sung dinh dưỡng kịp thời để giúp cây bật mầm khỏe và cho ra những khóm hoa rực rỡ, bền màu. Tiến hành bổ sung đầy đủ các yếu tố đa trung vi lượng bằng các loại phân như phân trùn quế, phân dơi, phân dê, powerfeed, canxi bo…

Đồng thời, việc bổ sung thêm các loại phân có hàm lượng kali cao như NPK 6-30-30, Đầu trâu MK 701… sẽ giúp cây bật nhiều lộc, hoa nở to, chuẩn dáng hoa, màu sắc tươi tắn và lâu tàn.

b. Phòng trừ sâu bệnh

Thời điểm vừa mới cắt tỉa là lúc cây rất nhạy cảm với các mầm bệnh. Do đó, cần phòng ngừa sâu bệnh cho cây để bảo vệ mầm non mới bật. Tùy vào điều kiện thời tiết mà bạn chọn thuốc cho phù hợp.

Nếu trời mưa phùn, ẩm ướt thì phun phòng phấn trắng bằng Daconil, Anvil, Nativo, Ridomil gold… đống thời hạn chế tối đa bón phân đạm, tăng cường phân có hàm lượng lân và kali cao.

Nếu trời hanh khô thì phun phòng nhện đỏ bằng hoạt chất sinh học Neem Chito. Khi mật độ nhện cao, bạn buộc phải sử biện pháp hóa học như Ortus 5SC, SK EnSpray 99EC, Reasgant 1.8 EC…

Nếu trời vừa hanh khô vừa có nắng thì vừa phun phòng nhện vừa phun phòng cả bọ trĩ bằng hoạt chất sinh học Neem Chito, dịch tỏi, Radiant…

Phun phòng định kỳ 1 tuần một lần, bạn nên sử dụng hoạt chất sinh học để không bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và đảm bảo môi trường sống xung quanh.

Tác giả: Vũ Ngọc