Hoàng hậu duy nhất trong sử Việt cầm quân ra trận, tự gieo mình xuống sông Tô Lịch là ai?

( PHUNUTODAY ) - Đây là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam, lựa chọn gieo mình xuống sông Tô Lịch chứ quyết không để rơi vào tay địch.

Ở thời kỳ phong kiến nước ta, có nhiều người phụ nữ cầm quân ra trận, nhưng với thân phận hoàng hậu thì có lẽ duy nhất chỉ có bà Phạm Thị Uyển. Đây là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử phong kiến Việt Nam, lựa chọn gieo mình xuống sông Tô Lịch chứ quyết không để rơi vào tay địch.

Hoàng hậu duy nhất trong sử Việt cầm quân ra trận

Sử Việt từng ghi nhận khá nhiều phụ nữ cầm quân ra trận, nhưng với thân phận hoàng hậu thì có lẽ chỉ duy nhất có bà Phạm Thị Uyển.

Theo sách “Những Phi - Hậu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” và thần tích truyền lại ở đình làng Hòa Mục ở Cầu Giấy, Hà Nội là nơi bà được phong thành hoàng làng, Phạm Thị Uyển quê quán ở quận Nam Xương hiện nay là Cầu Giấy. Cha bà là ông Phạm Huyên còn mẹ bà là Phùng Thị Thảo là người em gái của Phùng Hạp Khanh - bố của Phùng Hưng.

Hoàng hậu duy nhất trong sử Việt cầm quân ra trận bà Phạm Thị Uyển.

Chuyện kể rằng, vợ chồng ông Phạm Huyên đã muộn đường con cái nên thường đến chùa cầu tự. Sau đó, người vợ liền sinh được ba con gồm một gái và hai trai. Trong đó, Phạm Thị Uyển là chị cả, tiếp đến là 2 em trai Phạm Miện và Phạm Huy. Hai người em sau này cũng đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng.

Bấy giờ, đất nước ta đang chịu sự đô hộ của nhà Đường. Căm phẫn trước chính sách bóc lột vô cùng tàn bạo của kẻ thù, năm 713, Mai Thúc Loan đã dựng cờ khởi nghĩa ở Nam Đàn (Nghệ An), sau đó lên ngôi vua và lấy hiệu là Mai Hắc Đế.

Tương truyền, vì cảm thấy mến phục tài năng của Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh đã gả cháu gái Phạm Thị Uyển cho ông.

Sau khi về nhà chồng, Phạm Thị Uyển đã cùng Mai Hắc Đế chung vai gánh vác sự nghiệp. Khác với các tiểu tư khuê các khác, bà là người có chí khí, văn võ song toàn lại am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, vì thế bà thường bàn luận việc cơ mật với chồng. Dưới sự lãnh đạo của vua Mai Hắc Đế, đất nước ta giữ được nền độc lập trong 10 năm.

Tuy quân Đường thua trận nhưng sau đó cũng không chịu bỏ mộng xâm lăng. Nhà Đường đã sai Dương Tư Húc và Quang Sớ Khách mang theo10 vạn quân sang đàn áp. Thế giặc mạnh, hùng hậu đã làm cho đội quân gồm những người nông dân khởi nghĩa phải lui dần. Qua nhiều trận đánh, vì yếu thế nên Mai Hắc Đế đã quyết định rút hết quân về Hoan Châu. Hoàng hậu Phạm Thị Uyển khi đó tình nguyện ở lại chặn giặc.

Ngôi đền thờ phụng bà đã được đặt tên là đền Dục Anh.

Là người giỏi thủy chiến, vị hoàng hậu đặc biệt này đã đem binh thuyền bày trận trên sông Tô Lịch. Đội quân của bà đã chiến đấu vô cùng dũng cảm nhưng do sự chênh lệch lực lượng nên quân ta đã tan vỡ. Thế cùng lực kiệt nhưng bà quyết không để rơi vào tay giặc, Phạm Thị Uyển cùng số ít binh tướng sống sót còn lại nhảy xuống sông Tô Lịch để tự vẫn vào ngày 15/7/722.

Theo ghi chép, xác của hoàng hậu trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục, nay là làng Hòa Mục, Cầu Giấy, Hà Nội. Bà đã được người dân vớt lên và chôn cất, rồi lập đền thờ phụng. Ngôi đền sau này đã được đặt tên là đền Dục Anh. Từ đó, hàng năm vào ngày 15/7 âm lịch, dân làng lại tiến hành tổ chức lễ hội tưởng nhớ mẫu nghi thiên hạ, đồng thời là nữ tướng anh dũng hi sinh ngay giữa trận tiền để giúp bảo vệ đất nước.

Tác giả: Vũ Thêm