Ai được coi là "Thánh nhân Đệ nhất tiên tri" trong lịch sử Việt Nam?

10:20, Thứ sáu 25/10/2024

( PHUNUTODAY ) - Ông cũng được coi là nhà tiên tri số một của lịch sử Việt Nam với nhiều câu sấm được tập hợp trong Sấm Trạng Trình. Tác phẩm này đưa ra những lời tiên tri trong nhiều thế kỷ; đến nay vẫn đang được tìm hiểu và luận giải.

Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là "Thánh nhân Đệ nhất tiên tri"

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), người mà dân gian quen là Trạng Trình – là một nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam vào thế kỷ 16. 

Về tài lý số, tiếng tăm của Trạng Trình truyền tới cả Trung Hoa. Sứ giả triều nhà Thanh tên là Chu Xán cũng dành lời ngợi ca cho ông rằng An Nam Lý Học Hữu Trình Tuyền”.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trước khi qua đời, Trạng Trình có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng: “Khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: “Thánh nhân mắt mù”, thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, nhờ họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy tàn, lụn bại đấy”.

Con cháu làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến 50 năm sau, mới có người khách từ phương xa đến, nhìn mộ cụ một lúc rồi nói: “Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, họa chăng là thánh nhân mắt mù”.

Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tàu kia về nhà, xin chỉ dạy cách đặt lại mộ. Thì ra đó là một thầy địa lý nổi danh ở phương Bắc, ông ta tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình, và bảo: “Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào mộ lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được”.

Lúc đào lên thấy tấm bia đá chôn trong mộ, lộ ra mấy câu thơ: “Ngày nay mạch lộn xuống chân / Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu / Biết gì những kẻ sinh sau! Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?“.

Đọc tới đây, vị khách Tàu kinh sợ, lúc này mới thực sự bái phục tài tiên tri kiệt xuất của Trạng Trình.

Những câu sấm truyền còn lưu danh hậu thế của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Những câu sấm truyền còn lưu danh hậu thế của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Dưới đây là những câu sấm truyền còn lưu danh hậu thế của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

1. “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”: Được biết, khi triều Mạc lâm nguy, vua Mạc đương triều đã sai người đến hỏi Trạng Trình và ông đã đưa ra lời sấm này. Có nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng và tồn tại được thêm 3 đời nữa.

2. “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”: Đây là lời sấm truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cho nhà Nguyễn. Năm 1568, Nguyễn Hoàng lo sợ Trịnh Kiểm sẽ sát hại mình. Nghe tiếng Trạng Trình giỏi thuật số, nên ngầm sai sứ giả đến xin chỉ dẫn. Khi đó, Trạng Trình chỉ vào đàn kiến trên hòn non bộ và nói “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, nghĩa là: Một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời. Nguyễn Hoàng nghe theo nên xin vào trấn thủ từ Đèo Ngang trở xuống, quả nhiên về sau gây dựng nên cả một cơ đồ thiên thu vạn đại, mở rộng bờ cõi nước Việt về phía Nam.

3. Trạng Trình từng tiên tri 500 năm trước một số sự kiện xảy ra trong thế kỷ 20:

Về sự cáo chung của nhà Nguyễn, có lời sấm rằng: “Ðến thời thiên hạ vô quân / Làm vua chẳng dễ, làm dân chẳng lành / Gà kêu cho khỉ dậy nhanh / Phụ nguyên số đã rành rành cáo chung”. Câu sấm này ứng nghiệm vào năm con gà Ất Dậu 1945, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là vua Bảo Đại thoái vị – nhà Nguyễn cáo chung, đất nước “vô quân”, không còn vua nữa.

Trong một bài thơ là Cự Ngao Đới Sơn, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, Trạng Trình đã viết: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình / Chí những phù nguy xin gắng sức /Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”.

Câu này được xem như lời khuyên của Trạng Trình với thế hệ sau, rằng phải nắm giữ được biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời. Mặc dù lời sấm đã khoảng 500 năm nhưng dường như vẫn mang tính thời sự, là một dự báo vô cùng chính xác dành cho hậu nhân chúng ta.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Dương Ngọc