Không nói năng bừa bãi, không hành động theo cảm xúc, không sống buông thả đó là ba nguyên tắc vàng mà người xưa đúc kết để hướng tới thành công và bình an trong cuộc sống. Ai phạm phải những điều này, sự nghiệp khó thành, cuộc đời dễ rơi vào vòng xoáy thất bại.
Trong hành trình xây dựng một cuộc sống viên mãn, mỗi người đều mong muốn có sự nghiệp ổn định, các mối quan hệ tốt đẹp và tinh thần thanh thản. Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản là chỉ biết cố gắng. Đôi khi, điều quan trọng hơn cả là biết tránh xa những hành vi tưởng như vô hại nhưng lại âm thầm kéo lùi ta về phía sau.
Theo quan niệm của người xưa, những ai muốn đi xa, tiến nhanh trong cuộc sống nhất định phải tránh ba điều đại kỵ: nói năng tùy tiện, hành xử tùy hứng và sống buông thả không nguyên tắc.
1. Nói năng thiếu suy nghĩ – con dao hai lưỡi
Cổ nhân có câu: “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”. Câu nói ngắn gọn nhưng ẩn chứa bài học thâm sâu. Lời nói không chỉ thể hiện nhân cách mà còn quyết định vận mệnh của một con người.
Người thông minh luôn cân nhắc kỹ trước khi phát ngôn. Họ biết khi nào nên nói, khi nào cần im lặng, biết dùng lời lẽ mềm mại để giữ hòa khí, kết nối mọi người. Ngược lại, những người nói năng thiếu kiểm soát, hay đụng chạm, phán xét, dễ khiến người khác phật lòng và tự đưa bản thân vào những rắc rối không đáng có.
Lời nói có thể khích lệ tinh thần, nhưng cũng có thể phá hỏng cả mối quan hệ, thậm chí làm tiêu tan sự nghiệp. Một câu nói sai vào thời điểm nhạy cảm có thể trở thành mồi lửa thiêu rụi cả công danh.
Vì thế, người khôn ngoan luôn giữ miệng lưỡi cẩn trọng, lấy sự khiêm nhường làm gốc. Trước khi nói ra điều gì, hãy học cách “uốn lưỡi bảy lần” để tránh vạ miệng.
2. Làm việc theo cảm xúc – thất bại là điều khó tránh
Sự nghiệp bền vững không đến từ những lần bùng nổ nhất thời, mà là kết quả của sự kiên trì và tinh thần trách nhiệm. Người làm việc theo hứng, chỉ chăm khi vui, bỏ bê khi chán, sẽ khó lòng tạo dựng được thành tựu lâu dài.
Hành động tùy hứng phản ánh sự thiếu kỷ luật. Những người như vậy thường bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp, không đáng tin cậy. Trong môi trường làm việc, điều này dễ khiến họ mất điểm với đồng nghiệp và cấp trên, dẫn đến hạn chế cơ hội thăng tiến.
Người khôn ngoan hiểu rằng, động lực không phải lúc nào cũng hiện diện, nhưng trách nhiệm thì luôn cần được duy trì. Họ làm việc có kế hoạch, duy trì hiệu suất ổn định và không để cảm xúc chi phối hành động.
Muốn thành công, hãy học cách hành động dựa trên lý trí, giữ cam kết và biết kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng – dù là những lúc mệt mỏi nhất.
3. Sống không nguyên tắc – dễ lạc lối, mất phương hướng
Một trong những yếu tố quyết định đến số phận con người chính là lối sống có kỷ luật và nguyên tắc. Người sống tùy tiện, để bản thân trôi dạt theo cảm xúc và ham muốn nhất thời sẽ dễ rơi vào vòng xoáy tiêu cực, đánh mất phương hướng sống.
Cám dỗ trong cuộc sống rất nhiều – từ vật chất, danh vọng đến thú vui nhất thời. Nếu không có nguyên tắc để làm ranh giới hành động, con người rất dễ sa ngã, đánh mất giá trị cá nhân.
Cổ nhân dạy: “Người quân tử biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm”. Biết giới hạn của bản thân, biết điểm dừng đúng lúc chính là biểu hiện của người có trí tuệ.
Sống có nguyên tắc không có nghĩa là cứng nhắc, mà là biết kiểm soát bản thân để không bị lôi kéo vào những điều gây hại. Một cuộc sống biết điểm dừng, có định hướng rõ ràng sẽ giúp con người tránh được sai lầm lớn, bảo vệ bản thân và những người thân yêu xung quanh.
Không ai sinh ra đã khôn ngoan, nhưng ai cũng có thể học cách sống khôn ngoan. Điều đó bắt đầu từ việc kiểm soát lời nói, hành vi và cách sống hàng ngày.
Ba điều tưởng chừng đơn giản: không nói bừa, không làm bừa, không sống buông thả – lại chính là nền móng vững chắc giúp ta xây dựng một cuộc đời thành công, hạnh phúc. Ai biết tránh ba điều này, sớm muộn cũng gặt hái thành quả xứng đáng.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Cổ nhân dạy không sai: “Nghèo chớ động vào ba nghề, giàu chớ kết thân ba người”, tại sao?
-
Tổ tiên dạy không sai: "Gia đình không nên có quá nhiều 3 thứ này, trẻ thì thất bại, già thì thê lương"
-
Cổ nhân nói không sai: "Phòng khách sáng thì sang, phòng thờ quang thì lụi", vậy phòng thờ có nên để đèn không?
-
Cổ nhân dặn: Nhà có 3 “cổ vật sống”, ba đời thịnh vượng, càng lâu năm càng quý như vàng
-
Người xưa bảo: “Thà thử quan tài còn hơn đi giày người khác”, vì sao?