Từ ngày 1/7/2024, đối tượng nào phải đổi sang thẻ căn cước?
Theo Điều 24 Luật Căn cước 2023 quy định về các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi;
- Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
- Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
- Xác lập lại số định danh cá nhân;
- Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Tại Điều 46 Luật Căn cước 2023 cũng quy định:
- Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 1/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 46 Luật Căn cước 2023. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
- CMND còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
- Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Như vậy, không bắt buộc người dân phải đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước mà chỉ những người thuộc trường hợp cấp đổi thẻ căn cước theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước 2023.
Theo đó, người dân có thể tiếp tục sử dụng thẻ CCCD đến khi hết hạn, nếu công dân có nhu cầu thì vẫn được cấp đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
Thẻ căn cước có thay đổi gì so với thẻ căn cước công dân?
Theo Khoản 2, Điều 18 Luật Căn cước 2023 quy định về thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:
- Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc";
- Dòng chữ "CĂN CƯỚC";
- Ảnh khuôn mặt;
- Số định danh cá nhân;
- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh;
- Quốc tịch;
- Nơi cư trú;
- Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;
- Nơi cấp: Bộ Công an.
Người được cấp thẻ căn cước theo Điều 19 Luật Căn cước 2023 bao gồm:
- Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Như vậy, khi đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước, tuy không đổi số thẻ đã cấp nhưng mẫu thẻ căn cước được cấp từ ngày 1/7/2024 sẽ có một số thay đổi:
- Tên thẻ đổi từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.
- Thông tin chủ thẻ:
+ Cấp cho cả người dưới 14 tuổi;
+ Quê quán đổi thành Nơi đăng ký khai sinh;
+ Nơi thường trú đổi thành Nơi cư trú;
+ Không còn thể hiện dấu vân tay.
- Chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đổi thành Nơi cấp: Bộ Công an.
Liệu có xảy ra tình trạng xếp hàng đi làm căn cước?
Một câu hỏi khác được nhiều người quan tâm, đó là liệu có xảy ra tình trạng người dân phải xếp hàng đi làm căn cước, như thời điểm cấp thẻ CCCD gắn chip năm 2021 hay không?
Câu trả lời là rất khó xảy ra tình huống trên. Bởi lẽ, việc đổi thẻ căn cước tới đây hoàn toàn khác với việc đổi thẻ CCCD gắn chip năm 2021.
Trước năm 2021, công dân Việt Nam được cấp các loại giấy tờ tùy thân gồm chứng minh nhân dân, thẻ CCCD mã vạch. Cả 2 loại giấy tờ này đều không có chip điện tử - được đánh giá có nhiều điểm ưu việt trong việc lưu trữ và bảo mật thông tin.
Khi ấy, ngoài những người thuộc diện bắt buộc theo quy định, cơ quan chức năng còn khuyến khích mọi những người đã có chứng minh nhân dân hoặc CCCD mã vạch (còn thời hạn sử dụng) cũng nên cấp đổi sang CCCD gắn chip, để hưởng các tiện ích do chip điện tử mang lại.
Chính vì thế, đối tượng cấp đổi sang thẻ CCCD gắn chip là rất lớn. Lực lượng công an phải làm việc ngày đêm, kể cả ngày nghỉ; trong khi người dân xếp hàng đi làm thủ tục cấp thẻ.
Còn với lần đổi thẻ căn cước từ 1.7 tới đây, về bản chất, thẻ căn cước chỉ thay đổi tên gọi và một số thông tin in trên mặt thẻ. Công nghệ sản xuất thẻ căn cước vẫn giữ nguyên như thẻ CCCD gắn chip, trong đó có chip điện tử.
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, những ai đã được cấp CCCD gắn chip thì không cần phải cấp đổi ngay sang thẻ căn cước, mà có thể sử dụng đến khi hết hạn. Điều này đồng nghĩa, số lượng đối tượng thuộc diện cấp đổi sang thẻ căn cước sẽ ít hơn rất nhiều so với lần cấp đổi sang thẻ CCCD gắn chip năm 2021.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Công an khuyến cáo, người dân không nên đổ xô đi đổi thẻ căn cước, bởi thẻ CCCD cũ vẫn có thể sử dụng đến khi hết thời hạn in trên bề mặt.
Tuy vậy, trong trường hợp xảy ra việc người làm thủ tục cấp thẻ căn cước tăng đột biến, Bộ Công an sẽ đáp ứng được, vì đã chủ động xây dựng kế hoạch cả về nhân lực và vật lực, đến tận công an cấp xã, để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tác giả: Mộc
-
Dòng họ lâu đời nhất Việt Nam, có từ thời Vua Hùng, con cháu có ngọc phả ghi danh
-
Không bật đèn xe vào ban đêm bị phạt bao nhiêu tiền?
-
Từ nay đi xe máy không gương chiếu hậu: Người dân bị phạt nặng gấp đôi quy định cũ, ai cũng nên biết
-
Thêm 3 quyền lợi mới cho người đóng tiền BHYT 5 năm liên tục, người dân được lợi gì?
-
Sang đến 2025, chứng minh nhân dân bị "xóa sổ", người dân làm ngay 1 việc kẻo mất tiền oan