Khả năng bảo vệ của các loại vắc xin nCoV hiện tại ở Việt Nam trước siêu biến thể Omicron

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay, biến thể mới Omicron đang trở thành nỗi lo lắng của các quốc gia trên thế giới. Nhiều chuyên gia lo ngại biến thể này có thể lọt qua hàng rào miễn dịch. Vậy các vắc xin đang tiêm ở Việt Nam có chống lại được không?

Đài NBC News dẫn lời giới chuyên gia y tế cho biết hiện chưa có câu trả lời rõ ràng, vì biến thể Omicron chỉ mới lộ diện vài tuần qua. Theo các nhà nghiên cứu tại Nam Phi, Omicron cho thấy có năng lực cao hơn so với những biến thể trước đó trong việc đột phá hệ miễn dịch được hình thành sau khi tiêm vắc xin hay khỏi bệnh.

Tuy nhiên, sẽ cần thêm khoảng 2 tuần thu thập số liệu để tìm hiểu xem Omicron có làm tăng nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong trong số những người đã tiêm vắc xin hay không.

Đến lúc đó, nếu xác định các vắc xin hiện tại không thể cung cấp bảo vệ thích đáng, các hãng dược sẽ phải hành động để đối phó thách thức mới.

Mới đây, công ty công nghệ sinh học Novavax cho biết đang nghiên cứu một loại vắc xin để chống lại biến thể Omicron. Theo người phát ngôn của công ty, vắc xin sẽ chứa protein đột biến trong biến thể Omicron để người được tiêm chủng có thể phát triển phản ứng miễn dịch. Nhưng việc thử nghiệm và sản xuất có thể sẽ “mất vài tuần”.

Trước đó, BioNTech, nổi tiếng với vắc xin Pfizer/BioNTech, hôm 26.11 cho biết đang tìm thêm dữ liệu về Omicron để xác định có cần vắc xin mới hay không. Pfizer và BioNTech nói rằng nếu cần, họ sẽ xuất xưởng một loại vắc xin có thể chống lại biến thể này trong khoảng 3 tháng tới.

Moderna trong một tuyên bố cũng cho biết đang nỗ lực để tìm ra vắc xin tăng cường phù hợp với chủng mới, bằng cách thử dùng vắc xin hiện có với liều lượng cao hơn và nghiên cứu các loại khác.

Biến thể Omicron nguy hiểm thế nào?

B.1.1.529 chứa đựng một số biến thể gây lo ngại. Chúng chưa từng được quan sát thấy trong tình trạng kết hợp này trước đây và riêng protein gai có hơn 30 biến chủng. Điều này quan trọng vì protein gai tạo nên hầu hết các loại vắc xin ngừa nCoV.

B.1.1.529 có một lý lịch gen rất khác biệt với các biến thể đang lan truyền hiện nay. Dường như nó không phải là "con cái của Delta" hay "ông nội của Beta", mà đại diện cho một dòng virus mới của SARS-CoV-2.

Người ta đã biết một số thay đổi về gen từ các biến thể khác cũng như tác động của chúng đối với tốc độ lan truyền hay khả năng lẩn tránh miễn dịch, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được nghiên cứu. Các nhà khoa học đưa ra một số dự báo nhưng vẫn phải nghiên cứu tiếp về mức độ ảnh hưởng của các biến dị đối với hành vi của virus.

Nhân loại cần tìm hiểu thêm về mức độ lan truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng virus mới này "lẩn trốn" hệ miễn dịch ở những người đã tiêm vắc xin hoặc phục hồi sau khi nhiễm virus.

Tác giả: Thạch Thảo