Ai đó đã từng nói: “Nếu bạn biết tin tưởng, cơ hội bạn đạt được là 50%. Nhưng nếu bạn không tin, cơ hội là 0%”. Tôi đã từng ôm ấp quan niệm ấy và học cách biết tin tưởng vào nhiều trường hợp. Và đa số mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió.
Chẳng hạn như tôi không tin một người bạn quen qua mạng. Nghe cách trò chuyện, tôi cảm giác anh ta không đàng hoàng. Nhưng rồi tôi vẫn quyết định gặp. Chúng tôi đã hẹn nhau ra một góc công viên nhỏ, trò chuyện suốt cả buổi về mọi vấn đề trong đời sống. Rồi tôi nhận ra: “À, hóa ra người này không quá tệ như mình nghĩ. Sao mình lại suy nghĩ tiêu cực thế chứ”.
Tôi được mời đến dự một buổi hội thảo chuyên ngành về Digital Marketing, đơn vị tổ chức không ghi rõ tên tuổi, chỉ có địa chỉ. Tôi hơi hồ nghi và luôn nghĩ: “Có thể đây là một buổi hội thảo “trá hình”, thật ra là đa cấp chăng?”. Dù tò mò và lo sợ, tôi vẫn quyết định đến tham gia. Ở màn dạo đầu, MC mời mọi người chào hỏi, bắt tay nhau, giới thiệu, tôi không muốn làm và thầm nhủ: “Sao giống đa cấp thế?”. Và rồi sau đó, buổi giao lưu chia sẻ ngày càng trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn vì tất cả những vấn đề liên quan đến chuyên ngành Digital Marketing đều được khai thác triệt để.
Hóa ra, tôi đã đa nghi quá nhiều.
Chính vì chủ quan trước những tình huống đã trải qua, mà tôi lại bị một vố khá đau ở trên mạng. Chuyện là tôi có ý định bán tài khoản chơi game ảo trên mạng. Trong thế giới game online, những món đồ ảo có giá vài trăm ngàn, có khi vài triệu là điều bình thường. Tôi đã tin rằng, khi giao dịch trên mạng như thế, thì phải biết tin tưởng, như cách mà tôi tin ở ngoài đời thật vậy. Nhưng có lẽ niềm tin đã trao gửi sai lầm. Giao dịch được thực hiện, tài khoản chơi game bị mất mà tiền thì không được chuyển về.
Tôi lại bắt đầu hồ nghi về thế giới này. Rằng tại sao những lúc tôi nghi ngờ thì thực ra chẳng có gì cả, khi tôi tin vào linh cảm của chính mình thì tôi lại sai?
Rồi tôi chợt nhận ra rằng, hoài nghi là điều nên làm trong mọi trường hợp, dẫu cho niềm tin bạn đã đặt vào đó hoàn toàn. Vì ngay cả khi bạn tin tưởng nhất, vẫn phải chuẩn bị cho những tình huống không mong đợi nhất. Tôi đã không chuẩn bị tinh thần khi chuyện xảy ra ngoài ý muốn, nên dễ dàng hụt hẫng.
Lòng tin và nghi hoặc nên có sự cân bằng. Khi bạn nghi ngờ, hãy chừa chỗ cho sự tin tưởng và ngược lại. Cuộc sống rất nhiều điều khó lường, có thể khiến bạn khó tin, khiến bạn hụt hẫng, thậm chí khiến bạn ngạc nhiên đến mức không nghĩ là nó có thật. Nhưng trên hết, hãy luôn tin tưởng vào chính bạn nhiều hơn. Còn niềm tin dành cho ai khác, điều gì khác, tốt nhất vẫn cần một chút sáng suốt, nghi hoặc.
Kiềm chế cảm xúc + học cách tự chủ = thuốc chữa “bệnh” quá thật thà
Có hai yếu điểm mà người quá thật thà thường dễ mắc phải đó là: không quản lý được cảm xúc bản thân và không làm chủ được mình trong những tình huống cấp bách. Do vậy, đôi khi sự thật được nói ra không những ảnh hưởng đến cá nhân họ mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác.
Để khắc phục sự quá thật thà của mình, theo chị Lâm Thúy, họ cần phải học và rèn luyện cách khắc phục những nhược điểm này thông qua trải nghiệm để tăng cường nhận thức về tác hại của cái quá thật.
Tuy nhiên không có phương pháp nào chữa khỏi hẳn được vì “bệnh” thật thà là do bẩm sinh, là do cấu tạo từ não. Do vậy, việc “chữa bệnh” chỉ có thể “cải thiện” để giảm bớt những điều không hay cho bản thân do tính quá thật thà mang lại. Học cách để kiềm chế cảm xúc và học cách tự chủ bản thân là cách “điều trị” tốt nhất cho những người quá thật thà.
Tác giả: Minh Ngọc