Tự xưng cơ quan chức năng yêu cầu hợp tác điều tra
Các đối tượng lừa đảo thường dùng chiêu bài tự xưng là cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, công an phòng chống buôn lâu, nhân viên viện kiểm sát, ma túy,… gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra vì người dân đang vướng vào trọng án. Thậm chí, chúng còn đưa ra giấy triệu tập, lệnh bắt đã được chỉnh sửa giống như thật khiến nhiều người sợ hãi.
Thực tế thì các cơ quan chức năng không làm việc qua các hình thức online. Với trường hợp vi phạm luật giao thông bị phạt nguội, đơn vị xử lý sẽ gửi thông báo gồm đầy đủ thông tin: không gian vi phạm (địa điểm hoặc tuyến tường vi phạm), thời điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe. Thông báo sẽ được gửi công an phường, xã, thị trấn và được công an địa phương chuyển đến chủ xe, mời đến đơn vị xử lý để thực hiện nộp phạt theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp liên quan đến buôn lậu, trọng án ma túy,… lại càng không có chuyện cơ quan chức năng xử lý qua một cuộc điện thoại. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2-15 quy định vô cùng chặt chẽ và được các cơ quan liên quan kiểm soát nghiêm ngặt.
Giấy triệu tập sẽ được gửi cho chính quyền địa phương nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Các cơ quan này sẽ chuyển giấy triệu tập cho bị can. Việc giao nhận giấy triệu tập phải được giao trực tiếp và có ký nhận. Nghiêm cấm hành vi thông báo, giao nhận giấy triệu tập qua điện thoại, online.
Nếu nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là thuộc cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát, tổ trọng án,… thì người dân cần cảnh giác cao độ. Bạn không nên tiếp tục nghe điện thoại, giữ tâm lý bình tĩnh không để bị dẫn dắt theo ý đồ của kẻ lừa đảo.
Ngoài ra, có một số kiểu lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu điện, nhân viên chuyển phát nhanh,… mời mở thẻ miễn phí nhận quà trúng thưởng, có kiện hàng từ nước ngoài đang kẹt tại hải quan… cũng cần lưu ý. Nếu không chắc chắn, bạn nên liên hệ cơ quan công an gần nhất để nhờ hỗ trợ thông tin.
Dùng lời lẽ đanh thép, dọa nạt nếu không “phục tùng”
Có nhiều người bị mất hàng trăm triệu đồng mà không tin mình bị lừa. Đó là vì kẻ xấu giao tiếp cực kỳ chuẩn, lời lẽ nghiêm chỉnh, thái độ đanh thép nên khiến nhiều người tưởng rằng mình đang làm việc với cơ quan chức năng thật.
Kẻ lừa đảo dường như được đào tạo rất bài bản, dùng nhiều lý lẽ để đối đáp với người dân. Thậm chí, chúng còn dùng chiêu bài tâm lý dọa nạt, thông báo đang ghi âm cuộc trò chuyện, yêu cầu người dân không được trốn tránh trách nhiệm, nếu chống đối tội sẽ nặng hơn,...
Phần lớn đối tượng lừa đảo trước khi gọi điện đều nắm bắt được thông tin cá nhân sơ bộ về tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD nên sẽ khiến người nghe điện thoại tin tưởng và làm theo hướng dẫn.
Yêu cầu đăng nhập vào các đường link lạ
Sau khi chi phối được tinh thần của người dân, kẻ lừa đảo thường yêu cầu đăng nhập thông tin vào một đường link được gửi đến qua điện thoại. Các đường link này có tên miền giả mảo khiến nhiều người nhầm lẫn là cơ quan điều tra. Thực chất chúng có chứa mã độc có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại, các tài khoản mạng xã hội hoặc từ đó ăn cắp thông tin đăng nhập vào tài khoản ngân hàng.
Các đường link chứa mã độc có thể được gửi kèm nội dung thông báo trúng thưởng, nhờ bình chọn cuộc thi, làm khảo sát nhận quà,… Chiêu trò lừa đảo này tuy phổ biến nhưng vẫn rất hiệu quả giúp kẻ xấu dễ dàng chiếm đoạt tài sản.
Bằng cách này, chúng có quyền truy cập mạng xã hội, mạo danh chủ tài khoản đi vay mượn tiền, vay online,… Nếu để mất tài khoản ngân hàng thì toàn bộ số tiền sẽ được chuyển qua tài khoản khác.
Nếu đã lỡ bấm vào đường link này bạn cần thoát ra ngay, không được đăng nhập thông tin cá nhân theo yêu cầu của link. Nếu lo sợ điện thoại dính mã độc, bạn có thể đem ra các chi nhánh điện thoại gần nhất để các kỹ thuật viên kiểm tra và phát hiện sớm nếu có.
Yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, nạp tiền điện thoại với mệnh giá lớn
Có hai cách chiếm đoạt tiền phổ biến: Một là yêu cầu chính chủ chuyển khoản với lý do chứng minh tài chính, thực hiện các bước điều tra, tiền sẽ được trả lại sau khi kết thúc điều tra; Hai là thông qua chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản thông qua các đường link độc hoặc yêu cầu chính chủ đọc OTP gửi về điện thoại, sau đó kẻ xấu sẽ thực hiện các thao tác chuyển tiền từ tài khoản của bị hại.
Bạn cần biết rằng, trường hợp vi phạm pháp luật bị xử phạt hành chính, các khoản phạt này sẽ phải đóng tại kho bạc nhà nước hoặc tại nơi tiếp nhận xử lý vi phạm, không chuyển tiền cho tài khoản cá nhân.
Cách tốt nhất để tránh khỏi bị lừa là không tiếp chuyện cuộc gọi có nội dung tương tự như trên. Nếu có người tự xưng là cơ quan chức năng yêu cầu hợp tác thì yêu cầu được làm việc trực tiếp tại cơ quan liên quan, không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội. Đặc biệt, bạn không nên hoang mang, sợ hãi khi bản thân không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
Không vay tiền tự nhiên bị "khủng bố "điện thoại đòi nợ: Làm theo cách này để không chịu thiệt thòi
-
3 rủi ro khi bạn để lộ thông tin CCCD, ai cũng nên biết để không mất tiền oan
-
Bỗng dưng nhận thông báo vay nợ do lộ thông tin CMND/CCCD gắn chip, người dân cần xử lý ra sao?
-
5 sai lầm thường gặp khi mua bán nhà đất, ai cũng nên biết để không thiệt thòi
-
Bỗng dưng nhận được tiền 'chuyển nhầm' tài khoản, cần làm ngay 1 việc để không bị quy vào tội chiếm đoạt tài sản