Huyền Trân công chúa – người đầu tiên lấy chồng ngoại quốc
Huyền Trân công chúa là con gái của Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông. Năm 1306 bà được gả cho vua Chiêm là Chế Mân.
Chế Mân là vị vua thứ 34 của vương quốc Chiêm Thành. Ông là vị vua hùng tài đại lược, đứng đầu quân đội Chiêm Thành chống lại sự xâm lăng của Mông Cổ năm 1282, khi ấy vẫn còn đang là thái tử. Chế Mân cũng được coi như là anh hùng dân tộc, là một trong những vị vua giỏi nhất của lịch sử Chiêm Thành, với ngoại giao là hòa hiếu với các nước láng giềng thông qua các cuộc hôn nhân chính trị.
Sau cuộc hôn nhân với công chúa Huyền Trân, Chế Mân dâng hai châu Ô và châu Lý cho Đại Việt làm của hồi môn. Huyền Trân vì đại cuộc mà sang làm dâu xứ người, trở thành hoàng hậu Paramecvari, là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Việt đã mở cõi không phải bằng gươm đao mà bằng hôn nhân.
Huyền Trân sinh cho Chế Mân hoàng tử Chế Đa Đa. Nhưng 1 năm sau, Chế Mân qua đời. Lúc này, Trần Anh Tông đã lên làm vua. Ông sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang để tìm cách cứu Huyền Trân đem về. Trần Khắc Chung tuy hoàn thành nhiệm vụ nhưng lại gieo một mối hận không thể liền sẹo được với Chiêm Thành. Sau đó, các vị vua Chiêm kế tiếp đã liên tục động binh đao ở biên giới, quấy rầy Đại Việt hòng lấy lại hai châu Ô, châu Lý để rửa mối quốc nhục.
Huyền Trân khi ra đi vốn là quân cờ trong bàn cờ chính trị của hai nước, khi trở về cũng là quân cờ trong suy tính của hai nước, tôn nghiêm và tính dân tộc của hai nước. Sau khi trở về, Huyền Trân đã lên Yên Tử gặp phụ thân rồi quyết định quy y cửa Phật, xuất gia tại núi Trâu Sơn với pháp danh Hương Tràng. Bà mất năm 1340, hưởng thọ 53 tuổi.
Công nữ Ngọc Vạn – được yêu thương cưng chiều nhưng cuối đời vẫn xuất gia
Công nữ Ngọc Vạn (1605 – 1658) tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Nhiều tài liệu ghi chép tước vị của bà là công chúa nhưng thực tế bà chỉ là công nữ.
Năm 1620 bà được gả cho vua Chân Lạp là Chey Cheta II. Cuộc hôn nhân giúp cho tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp. Đây là cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt với lịch sử dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cho cả hai phía.
Vị vua này đã có 2 đời vợ nhưng vẫn vô cùng sủng ái Ngọc Vạn. Bà không những thông minh, xinh đẹp mà còn sống mẫu mực và điềm đạm. Bà nhanh chóng hòa nhập với Phật giáo tiểu thừa của Chân Lạp, lập xưởng thợ, mở cơ sở đóng thuyền, mở các nhà buôn quanh thủ đô Oudong (tức Phnom Penh).
Chỉ trong vòng 5 năm kể từ ngày công nữ Ngọc Vạn kết hôn, người Việt đã sống trải dài từ Bà Rịa, Biên Hòa, Bến Nghé lên tới Châu Đốc đến tận Oudong. Đến cuối thế kỉ 17, số người Việt ở vùng này đã lên đến 200.000 người với bốn vạn hộ dân.
Năm 1628, Chey Cheta II đột ngột qua đời. Vương triều Chân Lạp lúc này liên tục xảy ra chém giết nhưng công nữ Ngọc Vạn vẫn ở lại Chân Lạp để che chở cho người dân gốc Việt. Bà lên làm thái hậu và được nhiều người kính nể.
Năm 1674, Chân Lạp suy yếu, chia thành 2 quốc gia và phải thần phục triều Nguyễn. Lúc này, công nữ Ngọc Vạn quyết định rời khỏi Chân Lạp quay về quê hương. Tương truyền, bà tìm về vùng Mô Xoài sinh sống rồi lên núi Chứa Chan (tức Đồng Nai) để xuất gia và sống tới cuối đời.
Tác giả: Trần Thu Thủy
-
2 nàng công chúa Việt nổi tiếng tài sắc vẹn toàn nhưng có một điểm chung khiến cả đời đau khổ
-
4 công chúa ảnh hưởng nhất sử Việt
-
Công chúa Việt bị xẻo má vì khuyên chồng không làm phản
-
Nhan sắc xinh đẹp của những công chúa nổi tiếng Việt Nam
-
Chuyện tình đơn phương bi thảm nhất hoàng tộc của ông chúa triều Nguyễn với thiền sư