Loại củ có lịch sử trồng trên 5.000 năm, bán đầy ở chợ Việt: Là 'thuốc' bổ thận, chống say xe

( PHUNUTODAY ) - Đây là loại củ dân dã ở Việt Nam, giá cực rẻ mà mang lại rất nhiều công dụng.

Bạn có biết loại củ đó là gì không? Đó chính là củ khoai lang!

Theo Đông y, khoai lang có nhiều tên như cam thử, phiên chử. Củ khoai lang tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt.

Khoai lang được dùng chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ.

Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khoai lang là một trong những loại thực phẩm lâu đời nhất được con người trồng và sử dụng. Ngày nay, nghiên cứu khoa học cho thấy khoai lang không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà có những công dụng phòng chữa bệnh tốt.

Một số bài thuốc hay từ khoai lang

Bác sĩ Vũ cho biết khoai lang trong y học cổ truyền được dùng trong nhiều bài thuốc đơn giản. Người bị cảm sốt mùa nóng, không ra được mồ hôi, có thể nấu khoai lang trắng với cải bẹ xanh ăn thay cơm để giúp ra mồ hôi, hạ sốt, giải cảm. Ngoài ra, những người này có thể dùng các bài thuốc từ khoai lang sau:

Bài thuốc 1: Khoai lang trắng khô một nắm, nghệ một củ, giấm 1/2 chén con, sắc uống nóng.

Bài thuốc 2: Khoai lang trắng khô 16 g, gừng 16 g, sắc uống hoặc nấu cháo.

Bài thuốc 3: Khoai lang trắng tươi luộc chín để xông, rồi ăn khoai nóng, uống nước luộc khoai nóng cho ra mồ hôi.

Bài thuốc 4: Khoai lang 1 củ 400g, gạo 200g, đậu xanh 1/2 bát cơm, mã thầy 4 củ, củ cải 1 củ, tỏi 3 nhánh, thịt gà 150 g, tôm nõn 70 g, gia vị. Tất cả giã nát hoặc thái nhỏ nấu nhừ, riêng đậu xanh và mã thầy cho vào sau rồi nấu nhừ tiếp. Bài thuốc giúp trừ cảm sốt, nâng cao sức khoẻ.

Theo bác sĩ Vũ, khoai lang có tính nhuận tràng nên thường được dùng trong các bài thuốc giúp giảm táo bón. Để chữa táo bón, có thể ăn khoai lang luộc hoặc luộc khoai nghiền nhuyễn thành sinh tố rồi uống. Một số món ăn khác có nguyên liệu chính từ khoai lang là chè khoai lang, bánh khoai lang, cũng có tác dụng trừ táo bón.

Người có bệnh trĩ có thể dùng nước luộc khoai tươi hay khô đã giã nát uống vào buổi sáng giúp cải thiện bệnh lý. Phụ nữ bị viêm tuyến vú dùng khoai lang trắng gọt vỏ, giã nhuyễn đắp lên vú, có thể phối hợp với tỏi giã nhuyễn để đắp.

Khai lang là thực phẩm rất tốt cho thận. Trong những bài thuốc giúp thận khoẻ, loại thực phẩm này cũng góp mặt như một dược liệu chính.

Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ khuyên những người thận dương hư, đi tiểu nhiều lần có thể dùng bài thuốc thịt chó hầm với khoai lang, cho thêm chút rượu và gia vị.‎‎ Đối với trường hợp thận âm hư, đau lưng mỏi gối thì dùng lá khoai lang tươi non 30 g, mai rùa 30 g, sắc kỹ lấy nước uống.

Trường hợp có mụn nhọt dùng bài thuốc sau: Khoai lang củ 40 g, lá bồ công anh 40g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt. Để hút mủ nhọt đã vỡ, lấy lá khoai lang non 50 g, đậu xanh 12 g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp.

Ngoài ra, trường hợp say xe có thể dùng khoai lang tươi nhai nuốt cả nước và bã.‎‎

Chuyên gia cho biết khoai lang là thực phẩm có thể ăn hằng ngày vì có nhiều giá trị dinh dưỡng. Khi dùng khoai lang sống, mọi người phải đảm bảo loại bỏ hết đất cát, bụi, bẩn. Không dùng củ khoai đã hỏng, hà, mốc.

Tác giả: Thạch Thảo