Có một công việc khá vất vả nhưng người dân sống ở các tỉnh thành ven sông, ven biển vẫn thực hiện hàng ngày để mang lại kế sinh nhai cho bản thân cũng như gia đình. Đó là nghề lấy hàu.
Công việc này không yêu cầu trình độ hay bằng cấp mà chỉ cần có đầy đủ dụng cụ như chậu, xô, búa, dao, đục… để đựng hàu là được. Nhưng công việc này lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức khỏe bởi phải đục, gõ liên tục trong nhiều giờ đồng hồ mới thu được “chiến lợi phẩm”.
Nghề lấy hàu là công việc không quá mới mẻ mà đã có từ lâu đời, giúp nhiều bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống, khi mà việc đồng áng chỉ đủ kiếm miếng cơm qua ngày, không đủ chi tiêu.
Mỗi buổi sáng, bà con nông dân sẽ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, đi ra các ghềnh đá ven biển, ven sông hoặc bất kỳ nơi nào có hàu xuất hiện. Sau đó, họ sẽ dùng các dụng cụ để gõ, cạy hàu ra khỏi ghềnh đá rồi cho vào xô, chậu mang về.
Những người có sức khỏe tốt, mỗi ngày có thể ngồi đục, gõ lấy hàu 3-4 tiếng. Nhưng với những người có sức khỏe không tốt thì chỉ kiếm đủ 1-2kg hàu là sẽ nghỉ làm để mang đi bán nhằm lấy tiền qua ngày.
Ngày nào thời tiết thuận lợi, bà con nông dân có thể thu về 10-15kg hàu mỗi ngày. Đem bán thì có thể thu về 300-500 nghìn đồng đối với hàu chưa tách vỏ. Nếu bán thịt hàu đã tách vỏ thì bà con cũng sẽ thu về với mức giá 100-200 nghìn đồng/kg thịt hàu.
Bà Lê Thị Hà (Quảng Trạch) cho biết thông thường các quán ăn, nhà hàng,… đặt hàng sẵn số lượng cần mua hôm đó hoặc người gõ hàu có thể tự đem đi mời chào.
Cũng theo bà Hà, khi vào mùa mưa bão, nghề lấy hàu sẽ tạm dừng lại. Đây cũng là thời điểm để hàu sinh sôi, phát triển cho mùa sau.
Dù công việc này mang lại thu nhập hấp dẫn nhưng nó đòi hỏi phải có sức khỏe, chịu được cái nắng gay gắt, chưa kể còn tiềm ẩn rủi ro tai nạn lao động như đục phải tay, tay cứa phải vỏ hàu sắc bén, trượt chân ngã xuống biển,… Nhưng đổi lại, thành quả thu về cũng rất khấm khá, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.