Từ loại rau nhà nghèo, nay trở thành rau đặc sản, sang trọng
Rau choại hay còn gọi là rau chạy, đọt chạy mọc hoang nhiều ở các vùng trũng phèn nặng Đồng Tháp Mười trong đó có huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Rau choại là loài rau mọc dại được biết với nhiều tên gọi khác nhau từ cách phát âm của các vùng miền. Hiện nay, đa số mọi người sẽ gọi là rau choại, rau trại hoặc rau chạy.
Loài rau này thuộc họ dương xỉ, thân leo, thường mọc ở rừng, bưng biển bỏ hoang và đặc biệt là vùng đất bị nhiễm phèn nhẹ.
Đây là loại rau có vị ngọt nhẹ nhàng, hơi nhớt và được chế biến thành rất nhiều món ăn dân dã mà bắt cơm. Đọt choại sẽ ngon nhất khi được chấm với nước mắm ớt.
Rau choại từ chỗ là rau nhà nghèo, rau ăn đỡ đói lòng thủa xưa, nay trở thành rau đặc sản, rau sạch, có mặt trên các mâm tiệc sang trọng...
Rau choại phát triển quanh năm nhưng mùa mưa thì sinh trưởng nhiều hơn, đặc biệt loại rau này càng hái nhiều thì đọt non ra càng nhiều.
Ăn rau choại ta chỉ sử dụng phần đọt non còn uốn cong có màu xanh mướt còn gọi là chột, hoặc dùng luôn cả phần ngó vươn dài như đầu ngón tay út cũng rất giòn, ngoài ra còn dùng luôn cả phần đọt choại đã ra vài bẹ lá lơ thơ…
Các món ăn chế biến từ rau choại trong thực đơn hàng ngày của người dân Tân Phước cũng khá phong phú. Đầu tiên là món choại luộc chấm nước tương bình dân cho những bữa cơm vội vã để còn đi làm đồng.
Rau choại chế biến nhiều món ăn ngon, giá ngoài chợ từ 25.000 - 30.000/bó
Rau đọt rau choại mọc nhiều ở các tỉnh miền Tây, nhất là vùng Tân Phước, Tiền Giang. Mọi người có thể mua loại rau này ở những ngôi chợ truyền thống hoặc sạp rau ven đường.
Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội, loại rau này cũng được buôn bán khá phổ biến.
Nếu là rau chạy mua ở chợ truyền thống hay của người dân thì giá thành sẽ giao động từ 25.000 - 30.000/bó tuỳ vào độ già non của rau.
Bữa cơm với rau choại luộc sẽ thật sự trọn vẹn nếu như có thêm dĩa cá lóc, cá trê đồng chiên giòn kèm thêm chén nước mắm gừng chua ngọt.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, trước khi bắt nước luộc nên cho vào nồi ít nước cốt chanh, khi nước sôi già mới để rau vào đảo đều khoảng từ 01 - 02 phút là vớt ra ngay thì món rau choại luộc mới được giòn và xanh mướt đẹp mắt.
Cầu kỳ hơn một chút thì có món rau choại xào thịt bò, rau choại xào tép. Để chế biến món này, trước hết phải chần nhanh rau qua nước sôi một lượt, sau đó vớt ra để ráo.
Phi hành tỏi cho thơm rồi cho thịt bò hoặc tép đã ướp gia vị vào xào cho thấm, sau đó cho rau choại vào đảo đều tay cho chín tới, nhắc xuống và múc ra đĩa thêm chút hành lá xắt nhuyễn và một ít tiêu xay, thêm một chén nước tương hoặc nước mắm chua ngọt là hoàn hảo…
Ngoài ra, rau choại được người dân Tân Phước (Tiền Giang) dùng cùng các loại rau khác để ăn kèm trong các món lẩu chua, lẩu ngọt bởi vị chan chát, bùi bùi, nhơn nhớt đặc trưng của nó hòa quyện với các loại rau khác sẽ làm cho thực khách thích ăn rau, hay đang muốn giảm cân vô cùng thích thú.
Vẫn còn một kiểu nấu canh với rau choại nữa nếu không nhắc đến sẽ là một điều vô cùng thiếu sót đó là món canh rau tập tàng dân dã vốn rất đỗi quen thuộc với người Tân Phước.
Gọi là canh tập tàng bởi vì nồi canh bao gồm nhiều loại rau sẵn có mọc ngoài vườn gồm rau dền, rau dịu, rau sam, đọt nhãn lồng, trái mướp, mồng tơi, bồ ngót và tiện tay tuốt thêm mớ lá rau choại.
Rau choại để nấu canh tập tàng chỉ sử dụng phần lá non rau choại đã ra 5-7 bẹ mới đúng điệu.
Món canh tập tàng đúng như tên gọi của nó bởi khi thì nấu canh rau tập tàng với mớ cá lóc đồng có sẵn, nhà không còn cá thì thả vào nồi canh vài con khô cá rô, cá sặc cũng mang hương vị ngọt rất riêng...
Khi biến tấu một chút thì dạo tí mắm cá đồng vào cho nồi canh rau tập tàng đậm vị và ngọt nước, có khi cũng chỉ toàn rau tập tàng với chút bột ngọt cũng đã có nồi canh thơm mát.
Những chiều hè hanh hao, bếp nhà ai có nồi canh rau tập tàng bốc khói, hương vị dân dã cùng cái màu nước canh tia tía hồng đã hằn sâu vào ký ức tuổi thơ của bao người con xa xứ.
Để có những rổ rau choại tươi ngon, bà con phải dậy từ sáng sớm khi sương còn đọng trên từng đọt lá non để hái cho rau thật tươi và kịp bán trong buổi sáng.
Rau choại Tân Phước ngoài việc được bày bán ở các chợ, hoặc dọc các tuyến đường Tỉnh lộ 865, 867 trên địa bàn huyện, chúng còn theo chân những thực khách đi khắp nơi, từ những bữa tiệc tươm tất đãi khách thân quen hay trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn, quán ăn.
Đó cũng chính bởi rau choại quê tôi là loại rau rừng tự nhiên, sạch, có vị nhơn nhớt đặc trưng không lẫn vào đâu được...
Tác giả: Dương Ngọc
-
Loại rau dại mọc đầy ở cánh ruộng đồng Tây Ninh, hái lên chưa kịp rửa đã có người đến tận ruộng tìm mua
-
Có 5 loại gia vị đắt đỏ, "hiếm có khó tìm" nhất thế giới, ở Việt Nam cũng bán nhiều
-
Loài cây quý hiếm được coi như "báu vật" rừng của Việt Nam, sống ở độ cao 2.000m, được coi như 'cây thần linh'
-
Loài cá suối độc nhất vô nhị này được ví như "lộc trời", được xem như vị thuốc đại bổ
-
Mùa mưa đến đánh thức loài ốc núi, đặc sản An Giang, người dân vui mừng bước vào mùa ăn ốc núi