Lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, lương hưu sẽ tăng theo như thế nào?

( PHUNUTODAY ) - Một trong những vấn đề được nhiều người lao động quan tâm là lương hưu có tăng khi lương cơ sở tăng hay không.

Trên tờ Lao Động, vấn đề này được giải đáp như sau:

Căn cứ theo nội dung được quy định tại Khoản 3 Điều 9 và Khoản 1, 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức lương hưu sẽ thay đổi phụ thuộc theo mức lương cơ sở và mức điều chỉnh tiền lương qua các năm tương ứng.

Theo nội dung được quy định tại Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ được quy định theo thời gian đóng BHXH. Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45% và cao nhất là 75%.

Công thức tính mức hưởng lương hưu:

Mức hưởng lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Ảnh hưởng đến mức lương hưu tối thiểu

Căn cứ vào Điều 3, Nghị định 90/2019/NĐ-CP mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng. Mức lương tối thiểu vùng tăng thì mức bình quân tháng đóng BHXH tối thiểu tăng, do đó mức lương hưu tối thiểu cũng sẽ tăng theo.

Sự thay đổi của mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng đến mức bình quân tiền lương đóng BHXH và ảnh hưởng đến mức lương hưu hiện hưởng hàng tháng của người lao động khi về hưu.

Ảnh hưởng đến mức lương hưu tối đa

Mức lương hưu tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở.

Từ 1.1.2020 mức lương cơ sở được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương hưu tối đa cán bộ hưu trí được hưởng không quá 1,49 triệu x 20 = 29,8 triệu/tháng. Mức lương cơ sở tăng thì mức lương hưu tối đa cũng sẽ tăng.

Có thể thấy, mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng rất nhiều đến mức lương hưu mà NLĐ được hưởng. Khi mức lương cơ sở tăng, mức lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương hưu tối thiểu và mức lương hưu tối đa tăng.

Tác giả: Thạch Thảo