Ý nghĩa của lễ cúng rằm tháng chạp
Theo quan niệm tâm linh của người Việt Nam, một tháng có hai ngày quan trọng đó là ngày mùng 1 âm lịch và ngày 15 âm lịch (hay còn được biết đến là ngày rằm). Mùng 1 hay còn được gọi là ngày Sóc, là ngày khởi đầu của tháng mới, mọi người đều cầu mong sự may mắn và thành công. Còn ngày rằm hay còn được biết đến là ngày Vọng, lúc này mặt trăng và mặt trời thông suốt với nhau, các đấng thần Linh và ông bà tổ tiên cũng có thể kết nối tâm linh với con người, do đó được xem là một ngày may mắn, cát tường.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp gồm những gì?
Dương gian chỉ cần thành tâm cầu nguyện vào ngày Vọng là có thể đạt được như mong muốn. Một năm có 12 ngày rằm đối với năm thường và 13 ngày rằm đối với năm nhuận. Tuy nhiên, trong đó có 3 ngày rằm quan trọng nhất nhất là rằm tháng giêng rằm tháng bảy và rằm tháng chạp.
Rằm tháng chạp là ngày rằm của tháng cuối cùng trong năm. Đây được xem là một trong ba nghi thức đưa tiễn năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới, bên cạnh lễ cúng Ông Công Ông Táo và lễ cúng tất niên trong văn hóa tâm linh Việt. Chính bởi thế, lễ cúng cũng trở nên long trọng, đặc biệt hơn. Vào lễ cúng ngày, mọi nhà đều cầu thể hiện sự cảm tạ đến các đấng thần linh đã phù hộ độ trì cho cả gia đình được bình an trong năm đã qua và cầu mong những điều may mắn sẽ đến trong năm mới.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp sẽ gồm lễ vật để dâng lên thần linh, tổ tiên, còn văn khấn là phương thức gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của con cháu tới những người đã khuất.
Thông thường, mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp vẫn tương tự như những ngày rằm khác trong năm, chỉ thành tâm là được, không cần quá cầu kỳ.
Mâm cúng chay
Về mâm cúng chay, cũng giống như nhiều lễ cúng khác theo văn hóa tâm tinh của người Việt Nam, các lễ vật bao gồm: trầu cau, thuốc lá, rượu, chè, nước lọc, hương, đèn (nếu không có đèn, gia đình có thể sử dụng bằng nến để thay thế), tiền vàng, bánh kẹo, hoa tươi, quả tươi.
Về hoa tươi, nên lựa chọn những loại hoa mang ý nghĩa may mắn (có thể kể đến như hoa đồng tiền, hoa cát tường…) hoặc sử dụng một cành mai, cành đào để tạo thêm không khí ngày Tết.
Về quả tươi, các gia đình nên chuẩn bị một mâm ngũ quả. Việc lựa chọn những loại quả trong mâm ngũ quả sẽ là khác nhau giữa các vùng miền và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như sở thích của từng gia đình. Thông thường, ở khu vực miền Bắc, người dân thường chuẩn bị mâm ngũ quả gồm có một nải chuối đặt ở dưới để đỡ tất cả các hoa quả bên trên, những loại quả còn lại có thể bao gồm bưởi, cam, quýt, hồng, đào… Bởi họ quan niệm rằng đó là những loại quả mang đến sự phú quý, đầy đủ và may mắn.
Đối với người dân miền Trung thường lựa chọn những loại quả có sẵn, chẳng hạn như táo, lê, cam, bưởi, quýt… Còn đối với người dân miền Nam, mâm ngũ quả thông thường bao gồm 5 loại mãng cầu, sung, đu đủ, dừa, và xoài hàm nghĩa cho ước muốn cầu sung vừa đủ xài. Ngoài ra, trên bàn thờ của những người dân miền Nam vào dịp gần Tết sẽ có thêm một quả dưa hấu, cầu mong cho năm mới được ấm no hạnh phúc.
Mâm cúng mặn
Về mâm cỗ mặn, tùy theo điều kiện của từng gia đình cũng như theo văn hóa địa phương mà mọi người có thể chuẩn bị các món ăn khác nhau trong mâm cúng mặn.
Theo thông lệ ở những gia đình miền Bắc, mâm cúng rằm tháng chạp sẽ bao gồm một con gà trống luộc thể hiện cho sự dũng mãnh và trung tín, một khoanh giò lụa, một đĩa thịt bò xào, một bát canh măng mọc, một đĩa rau xào.
Đối với người dân khu vực miền Trung các món ăn dâng trên ban thờ có thể bao gồm gà bóp rau răm, chả giò rán, các món rau xào, thịt xào.
Đối với người dân khu vực miền Nam, trong mâm cỗ vào dịp cuối năm thông thường sẽ xuất hiện thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, heo quay, cá lóc, canh nấu chua…
Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm một đĩa xôi gấc hoặc một tấm bánh chưng, bánh tét để tạo thêm không khí ngày Tết.
Cúng rằm tháng Chạp vào ngày nào, giờ nào mới đúng?
Cúng rằm tháng Chạp vào ngày nào, giờ nào mới đúng là điều nhiều gia đình quan tâm. Thường lễ cúng rằm tháng Chạp sẽ được thực hiện vào ngày 14 hoặc 15 tháng 12 âm lịch. Cúng bữa trưa hay bữa tối tùy theo điều kiện sinh hoạt và hoàn cảnh của từng gia đình, tuy nhiên thông thường các gia đình sẽ cúng buổi trưa chính rằm, tức trưa ngày 15 tháng Chạp. Chú ý không làm lễ quá khuya, tốt nhất là trước khi trời tối.
Người làm lễ cúng rằm tháng Chạp thường là người lớn tuổi nhất trong nhà hoặc là trưởng nam, trưởng nữ, người có uy tín trong gia đình. Trước khi làm lễ, phải tắm gội sạch sẽ, đầu tóc quần áo gọn gàng, thể hiện sự trang nghiêm, trịnh trọng với nghi lễ cúng.
Văn khấn cúng rằm tháng Chạp
Văn khấn Thổ công và chư vị thần linh
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông thần quân.
Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long mạch.
Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức tôn thần.
Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần.
Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ con là: …
Ở tại: …
Hôm nay ngày … tháng … năm … , gặp tiết rằm tháng Chạp, Tín chủ con thành tâm sắm lễ hương hoa, trà quả, kim ngân, thắp nén hương thơm, dâng lên trước án, thành tâm kính mời: ngài Kim niên đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa, Long mạch tôn thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này. Con cúi xin các giáng lâm trước án, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con được cả nhà yên vui, công việc thuận lợi, tài lộc tăng tiến, tâm đạo được sáng suốt, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ trước án, cúi xin được các các Ngài phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
Văn khấn gia tiên
Nam mô A Di Đà Phật! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ).
Tín chủ (chúng) con là: …
Ở tại: …
Hôm nay là ngày… tháng… năm, gặp tiết rằm tháng Chạp. Tín chủ con thành tâm sắm lễ, hương, hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án, thành tâm kính mời các ngài: Bản cảnh Thành hoàng, chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội, ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời chư vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại nhà này, đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho chúng con gia đình hòa thuận, sức khỏe dồi dào, công việc phát tài, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật ! (đọc 3 lần và sau cùng lạy 3 lạy)
(Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm)
Tác giả: Vũ Ngọc
-
Cúng Rằm đặt 4 loại hoa này lên bàn thờ may mắn liên tiếp, 1 thứ tránh kẻo tiền bạc như muối bỏ biển
-
Không có ngày 30 tháng Chạp thì việc cúng Rằm tháng Chạp có gì đặc biệt?
-
Cúng Rằm tháng Chạp đúng giờ Hoàng Đạo gia chủ chẳng lo trách phạt, sang năm may mắn liên tiếp, hưởng nhiều phúc lộc
-
Phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh 3 hiếm gặp
-
Bài văn khấn cúng rằm tháng Chạp đầy đủ nhất dành cho năm 2021