Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP về tuổi nghỉ hưu, trong năm 2023, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ là tròn 56 tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp, người lao động (NLĐ) bị suy giảm khả năng lao động thì họ có thể được nghỉ hưu trước tuổi quy định. Trong trường hợp này, lương hưu được tính như thế nào, liệu có bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu?
Nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động
NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì cũng được hưởng đầy đủ các quyền lợi hưu trí như NLĐ nghỉ hưu đúng tuổi về lương hưu, bảo hiểm y tế, tử tuất... Tuy nhiên, mức hưởng lương hưu của NLĐ nghỉ hưu trước tuổi thấp hơn NLĐ nghỉ hưu đúng tuổi khi có cùng số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về mức lương hưu hằng tháng, từ năm 2022 trở đi, lao động nam có 20 năm đóng BHXH khi nghỉ hưu được hưởng mức lương hưu bằng 45% mức lương đóng BHXH, lao động nữ có 15 năm đóng BHXH khi nghỉ hưu được hưởng mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tháng đóng BHXH, sau đó cứ thêm 1 năm đóng BHXH được tính thêm 2% nhưng không quá 75%.
Khoản 3 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi cũng được tính theo tỷ lệ như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Ví dụ, năm 2023, ông B nghỉ hưu trước tuổi khi 58 tuổi 9 tháng và có 22 năm đóng BHXH thì mức lương hưu của ông B sẽ là 45% mức bình quân tháng đóng BHXH. Bởi nếu nghỉ hưu đúng tuổi quy định, lương hưu của ông B sẽ là 49% (20 năm đóng BHXH là 45%, 2 năm tăng thêm là 4%). Tuy nhiên, vì ông B nghỉ hưu trước tuổi quy định (60 tuổi 9 tháng) 2 năm nên bị trừ tỷ lệ lương hưu là 4% nên mức hưởng của ông bị trừ đi còn 45% nhưng ông được hưởng tiền lương hưu hàng tháng trước những người như ông 2 năm.
Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi
Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ các trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.
Trường hợp 1: NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) ban hành.
Trường hợp 2: NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành danh mục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp 3: NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Trường hợp 4: NLĐ có tổng thời gian làm nghề, công việc quy định tại trường hợp thứ nhất (nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành) và thời gian làm việc ở vùng quy định tại trường hợp thứ hai (vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Chỉ cần nhìn đúng kí hiệu này trên thẻ BHYT, biết ngay mức hưởng cao nhất là bao nhiêu phần trăm
-
Đóng BHXH ngắt quãng, người lao động có bị giảm lương hưu không?
-
Có 1 trường hợp duy nhất đóng BHXH đủ 15 năm được nhận lương hưu là ai?
-
Nghe điện thoại từ số lạ và được hỏi câu này, tuyệt đối không trả lời 'Có': Đừng để mắc bẫy lừa đảo
-
Cách giúp ghi nhớ nhanh số CCCD gắn chip: Người "não cá vàng" nhìn 1 lần cũng thuộc ngay