Năm 2024 những ai phải đi Nghĩa vụ quân sự?
Theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì mọi công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
- Lý lịch rõ ràng;
- Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định;
- Có trình độ văn hóa phù hợp.
Lịch khám nghĩa vụ quân sự năm 2024
Khoản 4 Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định thời gian khám sức khỏe từ ngày 01.11 đến hết ngày 31.12 hằng năm. Thời gian khám sức khỏe gọi công dân nhập ngũ lần thứ hai theo quy định tại Điều 33 do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Do đó, có thể xác định thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho đợt nhập ngũ đầu năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 01.11.2023 đến hết ngày 31.12.2023; thời gian cụ thể, địa phương căn cứ tình hình thực tế để sắp xếp lịch khám cho phù hợp.
Trường hợp gọi công dân nhập ngũ lần 2 vào năm 2024 thì thời gian khám sức khỏe lần 2 sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Nơi khám nghĩa vụ quân sự
Theo Điều 5, Điều 6 Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30.6.2016 quy định về tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hai vòng khám.
- Sơ tuyển sức khỏe do Trạm y tế xã tiến hành dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế huyện.
- Vòng khám chi tiết tổ chức tại Trung tâm y tế huyện.
Nghĩa vụ quân sự 2024 đi mấy năm?
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.
Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
Nghĩa vụ quân sự 2024 đi trước hay sau Tết Nguyên đán?
Theo Công văn 4267/BQP-TM 2023, thời gian giao nhận quân nghĩa vụ quân sự 2024 gồm có như sau:
Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự 2015; Quyết định 82/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc gọi công dân nhập ngũ năm 2024.
Theo đó, năm 2024 tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (tuyển quân) 01 đợt; thời gian giao nhận quân trong 03 ngày, từ ngày 25 đến hết ngày 27 tháng 02 năm 2024 (từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Năm 2024 sẽ tiến hành tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ 01 đợt. Theo đó, lịch nhập ngũ nghĩa vụ quân sự 2024 như sau:
Tùy theo từng địa phương sẽ diễn ra thời gian giao nhận quân trong 03 ngày từ 25/02/2024 đến hết ngày 27/02/2024 (Lịch Âm lịch: tức ngày 16/01/2024 đến hết ngày 18/01/2024 Giáp thìn).
Như vậy, nghĩa vụ quân sự 2024 sẽ đi sau Tết, cụ thể thời gian giao nhận quân sẽ rơi vào ngày 16 đến hết ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn.
Đi nghĩa vụ quân sự, khi nào được xuất ngũ trước hạn?
Căn cứ theo Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng, trừ trường hợp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 43 Luật nghĩa vụ quân sự 2015, được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 279/2017/TT-BQP có quy định về các trường hợp có thể được xuất ngũ trước hạn.
Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn nếu thuộc các trường hợp sau đây: “Hội đồng khám sức khỏe kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ; Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động, trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;
Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên”.
Như vậy, nếu con bạn đáp ứng đủ một trong các trường hợp kể trên, thì sẽ được xem xét xuất ngũ trước thời hạn.
Tác giả: Thạch Thảo
-
Từ 1/7/2024, lương giáo viên mầm non sẽ tăng hơn 32% khi cải cách tiền lương?
-
Lương công chức có thể tăng lên 21 triệu đồng/tháng khi cải cách tiền lương hay không?
-
Từ năm 2024, 9 loại thu nhập không được giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân
-
10 trường hợp bắt buộc phải cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước từ 1/7/2024
-
Từ năm nay: Đất ông bà ở nhưng chưa có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?