Theo cô Yến (chủ một cơ sở xay xát gạo tư nhân ở ngoại thành Hà Nội) thì gạo ngon trước hết phải là gạo mới, như ở miền Bắc, một năm có 2 vụ lúa chiêm (thu hoạch hè) và vụ lúa mùa (thu hoạch mùa thu), cứ đến mùa nào thì ăn gạo mùa đó là ngon nhất, gạo để càng lâu càng bớt thơm, bớt ngọt. Như vậy yếu tố đầu tiên để chọn gạo ngon chính là gạo phải mới.
Cô Yến cho biết nhìn về cảm quan, khi chọn gạo, có thể vốc 1 nắm trên tay, nếu quan sát hạt gạo mẩy, đều, còn nguyên phôi trắng, ít hạt vỡ, ít hạt vàng ngà (xay từ lúa non), ngửi sát thì có mùi thơm nồng nồng tự nhiên thì thường là loại gạo mới và già hạt (gạo già hạt là loại được xay xát từ lúa đủ ngày, phơi đủ nắng, loại này thường ít bị nấm, mọt nên khả năng tẩm thuốc sẽ ít hơn).
Sử dụng gạo quá trắng
Việc sử dụng gạo trắng sẽ khiến bát cơm trắng trông thật hấp dẫn và bắt mắt. Nhưng đồng nghĩa là nguồn dinh dưỡng tốt nhất của hạt gạo đã không còn. Mà bạn chỉ là đang ăn “cái lõi” bột đường của gạo mà thôi.
Vì vậy, việc tiêu thụ quá nhiều tinh bột từ gạo trắng sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc tiểu đường, các bệnh phù thũng, tăng huyết áp,…là rất cao.
Những sai lầm mắc phải khi gạo nấu thành cơm
Trước những thông tin về gạo nhiễm hóa chất, gạo không rõ nguồn gốc, gạo bẩn… đã khiến người dân lo lắng rồi, nhưng kể cả những người mua được gạo đảm bảo chất lượng cũng đang mắc sai lầm trong khi nấu, vô tình những sai lầm đó làm đánh cắp đi những dưỡng chất vốn có trong gạo.
Nấu cơm bằng nước lạnh
Có tới 9/10 bà nội trợ sử dụng cách làm này. Nhưng các bạn có biết không, khi sử dụng nước lạnh để nấu cơm thì những hạt gạo sẽ bị trương lên, các chất dinh dinh dưỡng bị nở ra, tan vào nước. Hơn nữa, những nồi cơm nấu bằng nước lạnh cũng thường sẽ không được ngon miệng vì cơm thường bị nát vì gạo bị trương.
Vì vậy, hãy thay đổi cách sử dụng nước nấu cơm bằng nước nóng để giữ lại dinh dưỡng trong gạo, có nồi cơm thơm, dẻo và ngon miệng hơn.
Chà xát gạo quá kỹ
Nếu bạn vo gạo quá kỹ, quá lâu, chắt hết các phần nước đục thì đó cũng sẽ là một sai lầm lớn. Vì phần nước đục (chứa cám gạo) mà bạn chắt đi có chứa nguồn vitamin B, glucid, protein, lipid, chất khoáng,… trong gạo.
Cách tốt nhất để giữ lại nguồn dinh dưỡng này là bạn chỉ cần cho gạo vào nồi, cho nước vào khuấy nhẹ để gạn đi tạp chất, trấu và nhặt sạn trong gạo là được.
Không đong nước và gạo khi nấu
Không phải ngẫu nhiên mà nhà sản xuất nồi cơm điện lại cho 1 cốc đong gạo đi cùng xoong cơm. Cốc đong gạo có tác dụng đo lường chính xác lượng gạo và lượng nước thích hợp để cho một nồi cơm ngon dẻo. Nhưng hầu hết ít ai để ý đến mà chỉ đong gạo và nước theo cảm tính. Vì vậy để có một nồi cơm thơm dẻo, ngon miệng, chúng ta không nên bỏ qua công đoạn này nhé.
Biến tấu để có nồi cơm ngon, hấp dẫn
– Dùng nước trà nấu cơm: Cơm không những thơm, màu sắc trông lạ mắt, mà còn có lợi cho tiêu hoá. Cách làm như sau: Dùng 0,5-0,7 g lá chè, ngâm vào 1 kg nước sôi từ 5-8 phút, dùng vải thưa lọc hết bã, đổ nước chè đã lọc sạch bã vào gạo đã vo sạch và nấu như bình thường, đợi đến khi cơm chín là được.
– Cho dầu ăn vào cơm: Khi nấu cơm, nếu ta nhỏ vài giọt dầu hoặc mỡ động vật vào cơm, cơm không những thơm, tơi, nhừ, mà còn không bị cháy nồi.
– Cho giấm vào cơm: Khi nấu cơm vào mùa hè, cứ 1,5 kg gạo cho vào 2-3 ml giấm ăn hoặc nước chanh, như vậy cơm nấu xong sẽ trắng, không dễ bị thiu, bị chua.
Cách bảo quản gạo sau khi mua
Nếu bạn mua gạo ở siêu thị hay các bao gạo đã đóng gói sẵn cần để ý đến ngày sản xuất. Ngày càng gần thì gạo càng mới. Trong trường hợp mua lẻ ở các cửa hàng, đại lý gạo thì tốt nhất bạn nên mua vừa phải, đảm bảo lượng gạo ăn trong thời gian ngắn. Như vậy sẽ không sợ gạo bị để lâu, ẩm mốc trong nhà vừa để đón mùa gạo mới.
Ngoài ra gạo không ưa nước, dễ nấm mốc. Do đó lý tưởng nhất bạn nên trữ gạo trong các lọ có nắp đậy kín, để nơi khô thoáng trong tủ hoặc kệ bếp, tránh trực tiếp với ánh nắng và nhiệt độ cao vì những yếu tố này có thể làm gạo giảm chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang