Ngải cứu không chỉ là rau ăn hằng ngày, có thể dùng trong 7 bài thuốc tốt cho cơ thể

( PHUNUTODAY ) - Ngải cứu được coi là một vị thuốc, có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh nhất định, mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Ngải cứu là loại rau quen thuộc đối với người Việt. Loại nay này có vị đắng đặc trưng, thường được dùng để nấu các món như trứng rán ngải cứu, gà tần ngải cứu, trứng vịt lộn nấu ngải cứu... Mỗi món ăn đều có hương vị đặc trưng riêng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Lợi ích của ngải cứu đối với sức khỏe

Theo Đông y, ngải cứu có vị đắng, cay, tính ấm, đi vào các kinh can, tỳ, thận. Loại rau này có tác dụng tán khí, trừ hàn thấp, ôn kinh mạch, giảm đau do lạnh. Lá ngải cứu có thể dùng tươi hoặc sao khô đều được.

Loại lá này được dùng nhiều trong các bài thuốc trị bệnh xương khớp, giúp giảm đau, lưu thông kinh mạch, phòng và trị các bệnh đường hô hấp...

Nghiên cứu của khoa học hiện đại chỉ ra rằng ngải cứu có tác dụng kháng viêm, sát khuẩn, ngăn các loại vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển... Loại rau này chứa nhiều chất chống oxy hóa các tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng ngừa các bệnh như alzheimer...

Lá ngải cứu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Một số bài thuốc từ lá ngải cứu

  • Điều hòa kinh nguyệt

Đối với phụ nữ, ngải cứu là một dược liệu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giúp giảm mệt mỏi, trị kinh nguyệt kéo dài...

Từ ngày bắt đầu hành kinh đến ngày Lấy 20g lá ngải cứu khô nấu cùng 400ml nước đến khi còn 200ml. Khi uống có thể thêm một chút đường cho dễ uống. Chia nước này làm 2 lần uống, dùng vào buổi sáng và chiều. Uống từ ngày bắt đầu hành kinh đến hết.

  • Nhức buốt khớp xương, đau thần kinh tọa, đau đầu hoa mắt

Dùng 300 gram lá ngải cứu tươi rửa sạch, để ráo rồi giã nát. Vắt lấy nước và thêm 2 thìa cà phê mật ong, khuấy đều và uống và trưa, chiều. Uống trong vòng 1 tuần.

  • Tăng cường máu lưu thông lên não

Bạn có thể ăn món trứng rán ngải cứu để cải thiện vấn đề lưu thông máu lên não.

  • Trị kém ăn, suy nhược cơ thể

Lấy 250 gram ngải cứu tươi, 1 con gà ác khoảng 150 gram, 2 quả lê, 20 gram câu kỷ tử, 10 gram đinh quy. Đem các nguyên liệu này cho vào nồi, thêm khoảng 500ml và hầm ở lửa nhỏ đến khi nước cạn còn một nửa. Ăn hết trong ngày.

  • Trị đau bụng do lạnh

Có thể lấy 100 gram lá ngải cứu tươi, 100 gram thịt thăn lợn băm nhỏ đem nấu canh và dùng với cơm. Ăn trong khoảng 2 ngày để trị đau bụng do lạnh.

  • Trị ho, đau họng, cảm cúm, đau đầu

Lấy 300 gram ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp, 100gr lá bưởi (hoặc lá quýt, chanh). Rửa sạch các loại lá này cho vào nồi, thêm 2 lít nước. Nấu trong khoảng 20 phút. Sau đó, tắt bếp, lấy nước này để xông người trong khoảng 10 phút.

Ngoài ra, có thể lấy 100 lá ngải cứu, 100gr lá tía tô, 100gr tần dầy lá , 50gr lá sả đem nấu với khoảng 1 lít nước. Nấu đến khi nước còn khoảng 500ml thì chắt ra để uống. Uống nước này trong ngày. Uống trong khoảng 3-5 ngày.

  • Trị mẩn ngứa, mụn nhọt

Lấy lá ngải cứu tươi rửa sạch rồi giã nát. Đắp lá này lên vùng da bị ngứa, bị mụn nhọt trong khoảng 20 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Ngoài ra, có thể dùng lá ngải cứu xay và lọc lấy nước, pha nước này với nước sạch để làm nước tắm.

Lá ngải cứu được dùng trong nhiều bài thuốc, mang lại lợi ích cho sức khỏe nhưng không nên lạm dụng. Sử dụng quá nhiều lá ngải cứu có thể gây ra tình trạng thần kinh trung ương hưng phần, làm chân tay bị run, thậm chí gây ra tình trạng co giật toàn thân. Vì vậy, không nên tùy ý sử dụng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, đặc biệt là với phụ nữ mang thai và những người đang điều trị bệnh mạn tính, đang sử dụng các loại thuốc trị bệnh.

Tác giả: Nguyệt Tú