Những năm gần đây, ngành Thiết kế vi mạch là một ngành nghề hot với nhu cầu nhân lực cao và mức lương nhiều người lao động ao ước. Dưới đây là top 5 trường có đào tạo ngành học đang rất được ưa chuộng này.
Ngành Thiết kế vi mạch và những tiềm năng phát triển
Thiết kế vi mạch là ngành chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo các chip điện tử (IC - Integrated Circuit). Các vi mạch tích hợp này có thể chứa hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ linh kiện điện tử như transistor, điện trở, tụ điện, và nhiều linh kiện khác trên một chip nhỏ.
Hiện nay, trong giai đoạn Chuyển đổi số, ngành Thiết kế vi mạch trở thành ngành nghề đầy triển vọng và là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên trong tương lai. Lý do bởi các hệ thống vi mạch được tích hợp chính là yếu tố nền tảng, hạ tầng thiết bị quan trọng, tiền đề để thực hiện quá trình Chuyển đổi số.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Tính từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch (theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi Mạch bán dẫn TP. HCM (HSIA)). Nhu cầu về nhân lực ngành này không chỉ gói gọn trong thị trường nội địa mà còn thu hút ở các khu vực các nước lân cận, đặc biệt là Singapore.
05 trường đại học danh tiếng đào tạo ngành Thiết kế vi mạch
+ Đại học Bách khoa Hà Nội
Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đang đào tạo một số ngành liên quan đến lĩnh vực Thiết kế vi mạch như: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật vi điện tử; Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của những ngành học này dao động từ 24,28 - 26,26 điểm cũng là một số điểm khá cao.
Tới thời điểm này, nhà trường chưa đưa ra mức học phí đối với năm học 2024 – 2025. Tuy nhiên, ở năm học cũ nhà trường quy định mức học phí với ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông khoảng 26 - 29 triệu đồng/năm; ngành Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano khoảng 23 - 26 triệu đồng/năm.
+ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm 2024 là năm đầu tiên trường Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh ngành học này. Chương trình đào tạo của trường mục tiêu hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp. Nhằm cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
+ Trường Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng
Năm nay là năm đầu tiên trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) mở thêm ngành Vi điện tử để có thể cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực Vi mạch bán dẫn. Ngành này của trường chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.
Những năm gần đây, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông cũng có đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch với mức điểm chuẩn trúng tuyển là 24,05 điểm với 2 khối A00; A01.
+ Trường Đại học Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM
Trường Đại học Công nghệ thông tin thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Năm trước, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,4 điểm với 2 khối A00 và A01 và một số phương thức xét tuyển khác. Mức học phí với chuyên ngành này ở năm 2023 là 33 triệu đồng/năm.
+ Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn thuộc Đại học Đà Nẵng
Đây là năm đầu tiên trường mở ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Để thu hút thí sinh theo học, nhà trường đã quyết định cấp học bổng 50 - 100% học phí trong năm đầu tiên dành cho thí sinh đạt 24 điểm thi tốt nghiệp THPT trở lên, theo tổ hợp xét tuyển cho ngành này.
Tác giả: Vũ Thêm
-
10 ngành học "vừa làm vừa chơi" Không cần đến công ty cũng có thu nhập tiền tỷ năm 2024
-
Ngành học mới nổi: Sinh viên kiếm tiền khủng, 5 - 10 năm tới không lo thiếu việc
-
Ngành học hot nhất hiện nay: Mức lương cao, cơ hội việc làm rộng mở, tương lai xán lạn
-
Thiếu hụt hơn 24.000 nhân lực: Ngành học hot hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng, nam sinh nhập học thêm thưởng
-
Học Y nên chọn ngành nào để ra trường dễ xin việc, lương cao?