Nghe điện thoại từ số lạ và được hỏi câu này, tuyệt đối không trả lời 'Có': Đừng để mắc bẫy lừa đảo

( PHUNUTODAY ) - Để tránh mắc bẫy của những cuộc gọi lừa đảo, bạn nên cẩn trọng trước câu hỏi này.

Chiêu trò lừa đảo bằng một câu hỏi

Trong thời gian gần đây, các vụ lừa đảo qua điện thoại ngày một tăng. Rất nhiều người trở thành nạn nhân bị đánh cắp tiền, đánh cắp danh tính.

Các chuyên gia đã cảnh báo về một thủ thuật lừa đảo qua điện thoại rất dễ khiến mọi người mắc bẫy. Nạn nhân sẽ nhận được một cuộc gọi tự động với câu hỏi rất đơn giản: "Bạn có nghe rõ không". Kẻ xấu sẽ ghi âm lại câu trả lời của bạn và dùng nó để tiến hành các hành vi lừa đảo.

Việc cập nhật các cài đặt quyền riêng tư, tăng cường bảo mật cho điện thoại thông thường sẽ khó bảo vệ bạn trong trường hợp này.

Tất cả những vụ lừa đảo qua điện thoại nhìn chung đều được lên kế hoạch để thực hiện 2 mục tiêu: Thu thập những thông tin có thể sử dụng để đánh cắp danh tính, mạo danh thành nạn nhân và khiến nạn nhân đưa tiền cho kẻ lửa đảo.

Với hình thức lừa đảo mới, kẻ gian sẽ ghi âm sẵn câu hỏi "Bạn nghe rõ tôi nói không?" để phát đi khi nạn nhân nhấc máy nghe cuộc gọi.

Câu hỏi này được dàn dựng để buộc nạn nhân phải trả lời "Có". Đầu dây bên kia sẽ ghi âm câu trả lời này lại.

Sau đó, chúng sẽ dùng đoạn băng ghi âm này để truy cập các tài khoản trực tuyến quan trọng, mua hàng, thực hiện các hành vi gian lận như đánh cắp danh tính.

Tất cả những gì kẻ gian cần làm là phát đoạn ghi âm câu trả lời "Có" khi được yêu cầu đăng nhập tài khoản hoặc đồng ý với một giao dịch mua bán lớn.

Chiêu trò lừa đảo mới qua điện thoại này cho thấy tiềm năng ngầm của các chatbot và công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc bắt chước giọng nói của con người. Ngày nay, các chatbot AI có thể tiên tiến tới mức mang lại cảm giác "giống như con người", có thể giả dạng con người thành công trong nhiều trường hợp, làm con người thật sự khó phân biệt trong các tình huống như gọi điện thoại.

Những kẻ lừa đảo lợi dụng công nghệ mới để đánh lừa nạn nhân tin rằng họ đang nói chuyện qua điện thoại với một người thật. Chúng có thể sáng tạo ra những nội dung nghe chân thực, thuyết phục chẳng hạn như: "Xin lỗi, tôi đang gặp sự cố với tai nghe của mình. Bạn nghe rõ tôi nói không?"

Câu trả lời "Có" có thể mở khóa những gì?

Ghi âm giọng nói của nạn nhân được dùng để ủy quyền trả tiền, giao dịch bằng tên của nạn nhân ở những dịch vụ sử dụng xác nhận bằng lời nói.

Nếu kẻ gian được yêu cầu trả lời đồng ý mua hàng hoặc thực hiện một dịch vụ nào đó hay không, hắn chỉ cần phát đoạn ghi âm giọng nói có câu trả lời "Có" của nạn nhân là được.

Bởi chúng dùng chính giọng nói của chủ nhân những tài khoản giao dịch nên nạn nhân rất khó chứng minh được rằng mình bị lừa.

Làm gì để tránh mắc bẫy các cuộc gọi lừa đảo?

Để tránh trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo qua điện thoại, các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên trả lời cuộc gọi của số lạ. Nếu đã lỡ nhấc máy nhận cuộc gọi thì nên nhanh chóng cúp máy. Việc nghe máy sẽ xác nhận số điện thoại của bạn đang hoạt động, giúp kẻ gian có cơ sở để tiến hành nhiều cuộc gọi tự động hơn.

Ngoài ra, hãy thận trọng khi nói chuyện với bất cứ cuộc gọi nào. Trong mọi trường hợp, đừng vội vàng trả lời câu hỏi ở đầu dây bên kia hoặc cung cấp bất cứ thông tin nào được yêu cầu.

Nếu lỡ trả lời "Có", hãy nhanh chóng kiếm tra các tài khoản trực tuyến và thông tin quan trọng của mình. Ví dụ, khi phát hiện giao dịch lạ thì nên báo ngay cho các công ty phát hành thẻ tín dụng, ngân hàng, công ty phát hành ứng dụng chuyển tiền. Ngoài ra, hãy thay đổi mật khẩu với các tài khoản nhạy cảm, theo dõi sao kê tín dụng để sớm phát hiện các hoạt động bất thường.

Tác giả: Thanh Huyền