Người phụ nữ cao tuổi nhất nhiễm HIV tại Phú Thượng: 57 năm đằng đẵng chờ chồng

( PHUNUTODAY ) - Bà cụ 80 tuổi là người cao tuổi nhất nhiễm HIV tại làng Kim Thượng, Phú Thọ. Suốt 57 năm qua, bà mòn mỏi đợi chồng đi bộ đội, không yêu ai, không lấy ai mà ông mãi không quay về...

Cụ C năm nay đã tròn 80, sống ở xóm Chiềng 1, xã Kim Thượng, nơi phát hiện 42 người dương tính với HIV, cụ là người cao tuổi nhất trong số đó. Người phụ nữ dân tộc Mường bao năm làm lụng nuôi con nuôi cháu bỗng nhiên nhận được kết quả dương tính với HIV. Từ khi biết cụ bị bệnh, người cháu dâu đã về chăm sóc cụ.

Theo lời cụ C, cách nay hơn 1 tháng, cụ được lấy máu để xét nghiệm, sau lần xét nghiệm đầu tiên kết quả cụ dương tính với HIV. Sau đó 2 tuần, cụ lại xuống bệnh viện huyện Tân Sơn lấy mẫu máu xét nghiệm lần 2 nhưng chưa có kết quả.

Ngôi nhà của cụ C. bên lưng đồi

Sáng 15/8, người của phòng y tế huyện liên lạc, cho người nhà đưa cụ xuống để làm xét nghiệm lần nữa nhưng do không có ai đưa đi nên cụ vẫn ở nhà.

Cụ C. là chị gái của 2 liệt sĩ, 2 em trai cụ đều đã lập gia đình rồi lên đường nhập ngũ ngay nên chưa ai kịp có con. Cụ bảo cho suốt đời mình không đi đâu, chỉ làm bạn với cây khoai, cây ngô trong vườn.

“Ngày ngày tôi đưa đón cháu đi học, các anh chị em giờ chỉ còn mình tôi với cô em gái sống dưới Thanh Sơn, nhưng già rồi cũng không đi thăm được”, cụ C. nói.

Cụ C cho biết, đã nhiều lần xuống thăm khám và tiêm ở nhà y sĩ Th ở xóm Chiềng 3 cách đó 700m. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ có nghĩ rằng do bị dùng chung kim tiêm khi khám ở nhà y sĩ Th hay không, cụ C nói không biết.

Suốt 57 năm, cụ chờ chồng mãi mà ông không về. Tối ngày lạm lụng nuôi cháu lớn cháu bé

Nói về cuộc đời mình, cụ C tâm sự, năm 1960, cụ đi lấy chồng ở xóm Chiềng 1, khi ấy cụ mới 22 tuổi. Sau khoảng 1 năm chồng cụ đi bộ đội, rồi từ đó đi biệt tăm không về, cũng không có giấy báo tử. Bao năm nay, cụ vẫn ở đó trong căn nhà sàn chờ chồng.

“57 năm từ khi ông ấy đi bộ đội, tôi chẳng yêu ai, cũng không cưới ai, chỉ ở đây thôi”, cụ C. nói.

Người phụ nữ Mường dáng nhỏ nhắn, đôi vai trĩu xuống, từ khi phát hiện bị HIV, tinh thần cụ suy sụp, yếu đi và sụt cân khá nhiều.

Sau khi chồng đi bộ đội, cụ C có đón cháu trai - con của anh chồng - về nuôi. Bao năm, cụ làm lụng, nuôi nấng, bao bọc người cháu trai như con đẻ cho tới khi anh cưới vợ, sinh được 2 con trai.

Năm 1988, người cháu này không may bị điện giật chết, vợ anh đi bước nữa, mang đứa con trai út theo cùng, để đứa con đầu cho cụ C nuôi.

Căn nhà nhỏ giản dị của người phụ nữ năm nay đã 80 tuổi

Ngày ngày, cụ trồng ngô, trồng khoai, thả thêm đàn gà dưới gầm nhà sàn tăng gia nuôi tiếp người cháu tên H bị mẹ bỏ lại. Hai bà cháu cứ thế sống qua ngày tới khi anh H tròn 18 tuổi, cưới vợ về ở chung trong căn nhà sàn nhỏ với cụ. Nhắc tới người chồng suốt nhiều năm biệt tăm, cụ C uất nghẹn rơi nước mắt.

“Giận chứ, giận lắm chứ, ông ấy đi biệt tăm, rồi lấy vợ khác ở mãi bên Bắc Thái ấy, chục năm trước người nhà đổ đi tìm bảo về làm mồ mả cho ông cha mới về, xong đi luôn, không quay lại nữa”, cụ C rầu rĩ, mắt long lanh nước.

Người phụ nữ đã lớn tuổi suốt bao năm nuôi cháu, nuôi con của cháu giờ đã già, nhà chỉ có 2 sào ruộng không đủ cấy, cứ mưa bão lại ngập. Rồi cháu trai lại đưa vợ về Hà Nội làm phu hồ kiếm sống, để lại hai con gái cho bà nuôi.

Từ khi biết cụ bị bệnh, người cháu dâu phải về chăm sóc, còn chồng chị vẫn ở Hà Nội làm thuê. “Nhà nghèo lắm, giờ tôi về, chồng mà cũng về chắc không có miếng ăn đâu”, cháu dâu cụ C nói.

Cụ C không có con, là chị gái của 2 liệt sĩ. 2 em trai cụ đều đã cưới vợ rồi lên đường nhập ngũ ngay nên chưa ai kịp có con. Suốt đời cụ chỉ làm lụng nuôi các cháu, hết cháu lớn tới cháu bé đều do cụ nuôi mà trưởng thành, giờ tới cuối đời lại mắc HIV không rõ nguyên nhân.

“Tôi giận lắm, bực lắm, mong chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân, tôi cũng mong được cho thuốc để mình khỏe hơn, đỡ khổ các cháu”, cụ C nghẹn ngào.

Con đường vào nhà cụ C.

Theo đại diện Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, vừa qua Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng tại xã Kim Thượng. Với 490 người ở 8 khu dân cư đã được lựa chọn tham gia phỏng vấn và lấy mẫu máu.

Kết quả sơ bộ, có 42/490 mẫu khẳng định dương tính với HIV. Các ca nhiễm HIV ở các độ tuổi khác nhau, thấp nhất là bé gái 18 tháng tuổi, cao nhất là 80 tuổi, trong đó, có 17 nam và 25 nữ.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh (Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế) cho hay, trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, ngoài xã Kim Thượng có 42 người, còn có xã Minh Đài cũng có tới 46 người, xã Mỹ Thuận 31 người nhiễm, xã Thu Cúc 24 người nhiễm, xã Xuân Đài 21 người nhiễm.

Cũng theo vị đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS, Kim Thượng là xã nằm ở nhóm cao nhưng chưa phải cao nhất. Tân Sơn là huyện có số người nhiễm HIV đứng thứ 5/13 huyện của tỉnh Phú Thọ.

Tác giả:

Tin nên đọc