Đối tượng nào thường mắc bệnh sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ những vấn đề sau đây:
Đau quá nghiêm trọng mà bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một tư thế giảm đau;
Đau kèm theo buồn nôn và ói mửa;
Đau kèm theo sốt và ớn lạnh;
Có máu trong nước tiểu;
Tiểu khó.
Nguyên nhân gây sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản khá phổ biến ở các nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bão hòa, dễ dàng kết tủa tạo thành sỏi. Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi niệu quản, nhưng có các nguyên nhân thường gặp là:
– Do bị sỏi thận: Sỏi niệu quản do sỏi từ thận rơi xuống (80%). Lý thuyết hình thành loại sỏi này giống như sỏi thận, cần lưu ý một câu nói trong y văn kinh điển: “sỏi niệu quản là con đẻ của sỏi thận. Nhưng từ lúc vừa sinh ra, nó đã tìm mọi cách để giết mẹ nó”.
– Hậu quả của các bệnh khác như: bệnh gout, bệnh tuyến giáp, viêm lao, giang mai, thương tổn niệu quản do các phẫu thuật khác gây nên…
– Dị dạng niệu quản bẩm sinh: Một số sỏi niệu quản sinh ra tại chỗ do dị dạng niệu quản như: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ… đó là các yếu tố làm dễ cho sự ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi.
– Tăng bất thường can-xi trong máu: do can-xi huyết tăng cao khiến can-xi niệu cũng tăng; hoặc u bướu ở tuyến giáp làm rối loạn tuyến chuyển hóa can-xi; hay có thể do viêm nhiễm mãn tính…
– Nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi: Tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng rất cao. Bình thường thận đào thải khoảng 300mg canxi qua nước tiểu trong 1 ngày, trong trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi, lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên 800-1.000mg/24 giờ với chế độ ăn bình thường.
– Giảm citrat niệu: Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu thì thường citrat niệu giảm. Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh tạo thành sỏi niệu quản.
– Nước tiểu bị quá bão hòa về oxalat: Thức ăn chứa nhiều oxalat như rau chút chít, đại hoàng hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tình trạng này. Ở người bị viêm ruột, cắt một phần ruột non cũng thường thấy tăng oxalat niệu và có sỏi oxalat, những người có rối loạn hệ thống men chuyển hóa ở gan do di truyền gây tăng bài xuất axit oxalic để tạo thành oxalat cũng dễ có sỏi oxalat.
– Chế độ ăn uống: Thông thường các thành phần của sỏi sẽ hòa tan trong nước tiểu, nhưng do những yếu tố kết tinh, các tinh thể ngưng kết lại tạo thành một khối. Tình trạng đường tiểu bị bế tắc cũng gây ra sỏi niệu quản. Thói quen uống ít nước, cộng với môi trường sống nóng bức cũng là nguy cơ gây sỏi niệu; những người làm nghề thợ hồ… có nguy cơ cao mắc sỏi niệu.
Tác giả: