Những loại cá có nguy cơ 'ngậm' nhiều thủy ngân
Cá được xếp vào nhóm thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Nó cung cấp nhiều protein, axit béo omega-3, các vi chất dinh dưỡng và chất béo lành mạnh. Một vấn đề mà nhiều người lo ngại khi ăn cá là hàm lượng thủy ngân trong cá.
Thủy ngân là một kim loại nặng có trong đất, nước, không khí. Con người có thể tiếp xúc với kim loại này theo nhiều cách khác nhau như hít phải hơi thủy ngân trong quá trình làm công việc khai thác mỏ hoặc trong hoạt động công nghiệp.
Một số loài động vật, bao gồm cá cá có thể hấp thu một lượng thủy ngân nhất định do môi trường sống bị ô nhiễm. Con người ăn phải nguồn thực phẩm nhiễm thủy ngân cũng có nguy cơ bị phơi nhiễm chất độc này.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng, chúng ta nên ăn ít nhất 2 khẩu phần cá/tuần (tương đương khoảng 340 gram cá). Tuy nhiên, nên cẩn thận với những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao.
Nhìn chung, các loại cá lớn, sống lâu thường có xu hướng chứa nhiều thủy ngân hơn so với những loài cá có vòng đời ngắn.
- Cá thu
Cá thu là loại cá có kích thước lớn, sống lâu nên khả năng tích tụ thủy ngân trong cơ thể thường cao hơn so với nhiều loài cá khác. Theo các tổ chức y tế và an toàn thực phẩm, đối với cá thu, cá thu vua là loại có hàm lượng thủy ngân cao nhất, sau đó đến cá thu mắt to. Ngoài ra, cá thu đóng hộp thường có lượng thủ ngân thấp hơn cá thu tươi.
Có thể ăn cá thu với tần suất không quá 2 lần/tuần. Tiêu thụ quá nhiều cá thu có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thủy ngân, gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch, thận và hệ thần kinh. Đặc biệt, các chuyên gia khuyến cáo các đối tượng nhạy cảm như phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ nên hạn chế ăn cá thu.
- Cá ngừ mắt to
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xếp cá ngừ mắt to vào nhóm cá có hàm lượng thủy ngân cao. Đơn vị này cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, trẻ nhỏ nên hạn chế tiêu thụ loại cá này.
Với người trưởng thành khỏe mạnh, không nên ăn cá ngứ mắt to quá 1 lần/tuần. Nếu yêu thích cá ngừ, bạn có thể lựa chọn các loại như cá ngừ albacore, cá ngừ vằn. Đây là những loài có hàm lượng thủy ngân thấp hơn.
- Cá trê
Một số nghiên cứu, báo cáo chỉ ra rằng cá trê là loài có khả năng chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn so với các loài cá khác. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, mức độ nhiễm thủy ngân của cá trê có thể thay đổi tùy vào môi trường sống, nguồn gốc và kích thước của con cá.
Để đảm bảo an toàn, nên chọn mua cá trê ở nơi có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Không nên ăn cá trê quá 2 lần/tuần. Khi mua, nên chọn loại cá trê có kích thước nhỏ vì chúng có xu hướng chứa ít thủy ngân hơn so với loại cá kích thước lớn.
Một số lưu ý khi ăn cá
- Không nên ăn cá sống
Cá sống, gỏi cá, cá tái là món ăn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đây không phải món ăn có lợi cho sức khỏe. Cá sống có chứa ký sinh trùng. Chế biến cá ở nhiệt độ cao là cách tốt nhất để tiêu diệt các loại cá ký sinh trùng này. Trong khi đó, ăn cá sống làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh của con người.
- Không nên ăn một số bộ phận có độc
Trứng cá, ruột cá, mật cá là những bộ phận dễ nhiễm các loại độc tố và chứa các loại ký sinh trùng như trúng giun, trứng sán, giun xoắn.
Đối với ruột cá, khi ăn cần phải rửa nhiều lần để loại bỏ chất bẩn và phải đảm bảo nấu chín trước khi ăn.
Mật cá lá bộ phận không nên ăn. Mật cung cấp các men, enzyme nhưng cũng có nhiều độc tốt như tetrodotoxin có khả năng gây ra mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi ở người ăn phải. Ngoài ra, người ăn mật cá có thể gặp tình trạng trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Khi sơ chế cá, nên tránh làm vỡ mật cá và không để dịch mật bắn vào mắt.
Với một số loại cá, trứng cá, ruột và gan đều có thể chứa độc tố, chẳng hạn như cá nóc. Độc tố này không bị phân hủy ở nhiệt độ cao hay khi phơi khô. Độc tính của chúng có thể tăng cao trong mùa sinh sản. Người ăn phải cá nóc có độc thường gặp các biểu hiện khó chịu, mệt mỏi, chóng mặt... Không ít các trường hợp rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng do ăn cá nóc và có người không qua khỏi khi đi cấp cứu chậm.
Tác giả: Thanh Huyền