Hoa ngoài việc dùng để trang trí thì vẫn có những loại có thể xuất hiện ngay trong khẩu phần ăn của bạn. Các loài hoa ăn đã được dùng trong nhiều nền ẩm thực trên khắp thế giới. Chúng vừa mang lại hương vị và màu sắc độc đáo cho nhiều món ăn và còn mang lại lợi ích sức khỏe.
Tuy nhiên, không phải loại hoa nào cũng đều an toàn để hấp thụ vào cơ thể. Dưới đây là những loại hoa có thể ăn được và lợi ích sức khỏe tiềm tàng của chúng.
Hoa chuối
Hoa chuối khá phổ biến trong ẩm thực châu Á. Hoa chuối có hình dáng tựa giọt nước. Khi chế biến, người ta sẽ sử dụng các lá mềm bên trong để thêm vào món salad, cà ri, súp, món xào, hầm. Theo Times of India, hoa chuối có tác dụng chữa nhiễm trùng vì trong hoa có chất ethanol giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Người bệnh tiểu đường cũng được khuyến khích ăn hoa chuối luộc hoặc ăn riêng để làm giảm lượng đường trong máu và tăng huyết sắc tố trong cơ thể. Bởi đây là món ăn rất giàu chất xơ và sắt; giúp hỗ trợ sản xuất hồng cầu.
Hơn nữa, hoa chuối còn sở hữu đặc tính chống oxy hóa, vitamin C, A, E, chất xơ và kali; giúp hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa và là nguồn dinh dưỡng lành mạnh.
Hoa hồng
Bên cạnh giàu vitamin và chất chống oxy hóa, thì câu hỏi luôn được đặt ra là hoa hồng ăn được không?. Câu trả lời là có. Hoa hồng không chỉ ăn được còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như điều hòa kinh nguyệt, đau bụng và vấn đề về mụn hay viêm da.
Cánh hoa hồng có nhiều dưỡng chất giúp hỗ trợ tiêu hóa, mát gan, giải độc. Nụ hoa hồng còn được dùng để pha trà sau khi phơi và sấy khô. Nghiền nhỏ những cánh hoa hồng tươi thành bột để hô biến thành hoa ăn được làm bánh hoặc trang trí, tạo nên màu sắc, hương vị độc đáo và hấp dẫn hơn.
Hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt còn có tên tiếng Anh là hoa Hibiscus, là một trong các loại hoa ăn được, hoa cực giàu protein, axit hữu cơ, axit amin. Với tác dụng hiệu quả trong điều trị bệnh tim, các bệnh huyết áp và là một nguồn vitamin C tuyệt vời giúp hỗ trợ miễn dịch khỏe mạnh.
Có rất nhiều nơi trồng cây hoa dâm bụt để pha trà uống. Một tách trà hoa dâm bụt khi bạn đang có triệu chứng cảm sẽ khiến cơn bệnh đi qua nhanh chóng. Vị chua đậm đà mang lại hương vị tươi mát trong các món Âu nên hoa dâm bụt là hương liệu chính của nhiều loài món ngọt như mứt, bánh tart, socola, bánh ngọt,…
Hoa bồ công anh
Hoa bồ công anh thường được coi là loài hoa dại mọc tự do trong nhiều khu vườn. Tuy nhiên chúng lại là một loại hoa có thể ăn được với giá trị dinh dưỡng cao, chúng cung cấp các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Bồ công anh có những bông hoa nhỏ với đường kính từ 2 - 4cm, nhiều cánh nhỏ màu vàng tươi. Điều thú vị là không chỉ hoa mà mọi bộ phận của cây bồ công anh đều có thể ăn được, bao gồm cả rễ, thân và lá.
Có rất nhiều cách để chế biến bồ công anh, như ăn trực tiếp, trộn salad, tẩm bột chiên, ngâm rượu, ngâm rễ làm trà.
Hoa ban
Những chùm hoa ban trắng nơi núi rừng Tây Bắc không chỉ làm lay động lòng người bằng vẻ đẹp tinh khiết và tự nhiên mà còn để lại hương vị khó quên trong các món ăn đặc trưng của người Thái. Hoa ban mang tính mát rất hiệu quả trong trị ho, viêm họng hay trị đau bụng .
Những bà mẹ dân tộc Thái thường dùng hoa ban nấu thành các món xôi hoa ban trong các ngày họp mặt gia đình hay chế biến những món đơn giản như hoa ban xào cải, canh hoa ban sườn non trong những bữa ăn hàng ngày. Bạn có thể lên Tây Bắc để thưởng thức hương vị đậm vị núi rừng đặc biệt từ loài hoa đặc biệt này nhé.
Hoa oải hương
Được mệnh danh là loài thảo mộc của tình yêu, vì vậy con đường đi đến tình yêu cũng rất đơn giản với hoa oải hương. Bởi không chỉ có thể tặng những bó hoa oải hương cho nhau, loài hoa này còn có thể “đi thẳng vào dạ dày” của người bạn yêu.
Hoa oải hương có thể tạo thêm vị ngọt và mặn cho nhiều món ăn. Hoa chứa nhiều vitamin A rất quan trọng với sức khỏe của mắt và giúp cho làn da khỏe mạnh. Canxi và sắt trong hoa oải hương cũng là chất quan trọng mà cơ thể cần. Bạn có thể thường xuyên sử dụng hoa oải hương để điều trị các chứng bệnh khác nhau như mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi.
Hoa kim ngân
Hoa kim ngân thường có mùi thơm, màu vàng nhạt hoặc trắng, chứa mật hoa có thể ăn trực tiếp từ hoa. Đây là loại hoa đã xuất hiện trong Y Học Cổ Truyền Trung Hoa trong nhiều thế kỷ.
Hoa kim ngân và các chiết xuất của hoa thường được dùng để ăn hoặc bôi lên da để điều trị các tình trạng viêm nhiễm khác nhau. Tuy nhiên tác dụng chữa bệnh của nó đối với con người vẫn chưa được chứng minh một cách khoa học.
Trong ẩm thực, hoa kim ngân thường được dụng để pha trà hoặc làm siro có mùi thơm. Siro từ hoa kim ngân có thể để làm ngọt trà đá, trà chanh, sữa chua hoặc thay thế đường trong các công thức với bánh mì. Trong khi hoa kim ngân và mật hoa khá an toàn để ăn, thì quả mọng của loài này có thể gây độc nếu ăn phải với số lượng lớn.
Hoa bí
Hoa bí (hoa bí đỏ, bí ngòi) cũng được sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn rất phổ biến. Trong hoa bí có các chất Ca, Fe, Mg, K, vitamin A và nhiều vitamin khác. Ngoài ra, hoa bí còn có chất tạo ngọt tự nhiên, dễ hấp thụ và tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, hoa bí rất giàu các chất chống oxy hóa gồm: anthocyanins, caroten, flavonoid, phenol. Đây là những hợp chất có thể trung hòa các gốc tự do có hại, giảm viêm trong cơ thể và hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mạn tính. Ngoài ra, hoa bí cũng chứa một lượng lớn carotenoid, có thể giúp tăng cường chức năng não bộ, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Hoa Pansy
Hoa Pansy khá nhỏ với đường kính khoảng 5-8cm, với 5 cánh hóa chồng lên nhau với vùng tối ở trung tâm giống như vết mực. Chúng có nhiều màu nhưng màu tím, xanh làm và vàng là phổ biến nhất. Hoa Pansy thường được dùng để nướng bánh, trang trí cho món tráng miệng, thêm vào món salad,.... Ngoài việc đem lại màu sắc bắt mắt cho món ăn, hoa pansy còn là nguồn cung cấp một số hợp chất giúp chống oxy hóa và chống viêm.
Hoa chùm ngây
Chùm ngây là một loại thảo dược thông dụng trong y học dân gian nhưng lại ít ai biết rằng hoa chùm ngây là hoa ăn được và có thể chế biến thành nhiều món ăn vừa đảm bảo ngon miệng vừa rất tốt cho cơ thể.
Hoa chùm ngây chứa nhiều mật ngọt có thể làm rau hoặc phơi khô dùng để nấu lấy nước uống.
Lưu ý khi sử dụng các loại hoa ăn được
Biết rõ nơi bán đảm bảo các loài hoa được trồng hữu cơ và không phun thuốc trừ sâu bởi chúng vốn được trồng để ăn.
Luôn rửa thật kỹ hoa trước khi ăn sống hoặc chế biến.
Cánh hoa là phần an toàn nhất để ăn thử, các bạn có thể thử trước xem có dị ứng hay không rồi tiếp tục thường thức cho an toàn.
Tác giả: M