Người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) với mong mỏi chính là khi về già không thể lao động tạo ra thu nhập thì vẫn còn đồng lương hưu để chi tiêu, sinh hoạt, trang trải cuộc sống. Vậy, muốn có đồng lương hưu đáp ứng được cuộc sống thì bây giờ người lao động nên tính toán mức đóng BHXH của mình.
Theo Điều 74 Luật BHXH 2014: Mức lương hưu hằng tháng đối với trường hợp đóng BHXH bắt buộc và đóng BHXH tự nguyện đều được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH. Cụ thể:
Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Quy tắc 1: Mức đóng càng cao – hưởng lương hưu cao
a, Trường hợp tham gia BHXH bắt buộc
Mức đóng BHXH bắt buộc là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Mức này càng cao thì, tiền bình quân tiền lương càng cao do đó hưởng mức lương hưu cao tương ứng.
Theo mục 2.6 khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở.
Trong thực tế, thì mức lương tháng đóng BHXH thường thấp hơn mức lương thực nhận của người lao động. Với trường hợp tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động chỉ đóng 8% tiền lương vào quỹ BHXH, trong khi đó ngưởi sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp, công ty…) đóng đến 17,5%. Do đó rất nhiều Công ty chỉ đóng BHXH cho người lao động bằng mức lương chính và phụ cấp nghề cơ bản, còn nhiều khoản còn lại không được tính đóng. Như vậy, khi về hưu, mức bình quân tiền lương thường ít hơn lương thực nhận khi người lao động đang đi làm nhiều.
Tuy nhiên, cũng có nhiều đơn vị sử dụng lao động muốn tạo điều kiện cũng như giữ chân nhân lực chất lượng cao đã đóng BHXH cho người lao động bằng với mức lương thực tế (tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở).
b,Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện
Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn (thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng). Trong đó, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn theo hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Người tham gia BHXH tự nguyện được tự lựa chọn mức thu nhập để làm căn cứ đóng. Nếu mức thu nhập được lấy làm căn cứ đóng càng cao thì mức hưởng lương hưu cũng càng nhiều.
Quy tắc 2: Thời gian đóng BHXH càng dài – mức hưởng lương hưu càng cao
Khi người tham gia có thời gian càng dài thì lương hưu được nhận càng cao (tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương đóng BHXH).
Như cách tính lương hưu đã đề cập ở trên, 20 năm đóng BHXH chỉ là điều kiện đủ để người tham gia hưởng lương hưu. Nếu muốn hưởng mức cao hơn thì cần tham gia nhiều hơn số 20 năm. Cụ thể từ năm 2022 trở đi, đối với lao động nam nếu muốn hưởng mức 75% mức bình quân lương hàng tháng thì phải đóng 35 năm BHXH. Đối với lao động nữ để hưởng mức 75% mức bình quân lương hàng tháng thì phải đóng 30 năm BHXH.
Nhiều trường hợp, công nhân lao động bị sa thải trước tuổi nghỉ hưu. Do đó, họ khi đủ số năm đóng để lĩnh lương hưu 45% có thể lựa chọn đóng BHXH để thêm số năm đến tuổi nhận lương hưu để lĩnh được lương hưu nhiều hơn.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Trường hợp đóng BHXH dưới 6 tháng vẫn hưởng chế độ thai sản, chị em nên biết để không bị thiệt
-
Tăng lương tối thiếu theo vùng cho người lao động, lương hưu có tăng theo?
-
Tính phụ cấp thâm niên vào lương hưu: Những trường hợp được hưởng người lao động cần biết
-
Đóng đủ 25 năm BHXH, người lao động được nhận bao nhiêu % lương hưu?
-
Người lao động đóng đủ 30 năm BHXH, về hưu năm 2022 hưởng lương bao nhiêu?