Rửa lòng non bằng loại nước này, sạch cặn bẩn, không còn mùi hôi

( PHUNUTODAY ) - Khi rửa lòng non, bạn nên dùng thêm một số loại gia vị để loại bỏ chất bẩn và khử mùi hôi của loại nguyên liệu này.

Lòng non là một trong những bộ phận của con lợn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Lòng non luộc, nướng, xào, rim... đều được, mỗi món lại có một hương vị thơm ngon riêng.

Tuy nhiên, dù nấu món gì, bạn cũng cần phải sơ chế lòng non thật kỹ. Lòng non là bộ phận tiêu hóa thức ăn của con lợn nên sẽ chứa rất nhiều tạp chất bên trong. Ngoài ra, lòng cũng có mùi hôi đặc trưng. Nếu không sơ chế kỹ để loại bỏ chất bẩn cùng mùi hôi, món lòng non sẽ không thể ngon.

Chọn lòng non

Nên chọn khúc đầu của lòng vì phần này lòng dày, giòn. Khúc lòng cuối sẽ dễ bị dai.

Nên chọn những khúc lòng căng tròn. Sờ tay vào đoạn lòng thấy đặc ruột. Dịch bên trong đoạn lòng có màu trắng sữa. Đó là những dấu hiệu cho thấy lòng non ngon, nấu chín sẽ giòn, không bị dai và đắng.

Không mua những đoạn lòng mỏng, dịch bên trong có màu vàng. Đây là dấu hiệu của những đoạn lòng vừa dai vừa đắng.

Sơ chế lòng non

Cách sơ chế lòng non đơn giản nhất là sử dụng muối, giấm và chanh.

Lưu ý, khi sơ chế lòng non, một sai lầm mà nhiều người mắc phải là tuốt hoặc ken lòng quá kỹ. Điều này khiến lòng bị dai và khô khi nấu.

Để dễ sơ chế, bạn có thể cắt lòng non thành các đoạn 30-35 cm. Cho lòng vào chậu và thêm muối, giấm hoặc chanh. Dùng tay bóp nhẹ cho phần dịch bên trong trôi ra ngoài. Tiếp đó, dùng nước rửa sạch.

Sơ chế lòng non bằng giấm, chanh và muối là cách làm đơn giản, thường được sử dụng nhất.

Cho lòng vào chậu rồi thêm nước cốt chanh/giấm, thêm vài lát gừng đập dập. Ngâm lòng lợn trong hỗn hợp này khoảng 15-20 phút cho sạch và thơm. Sau đó, vớt lòng ra rửa lại bằng nước sạch vài lần. Lưu ý, chỉ rửa chứ không nên bóp mạnh tay.

Một mẹo rửa lòng non khác được nhiều bà nội trợ áp dụng chính là sử dụng nước mắm, dùng nước mắm cốt càng tốt. Nên lấy một ống bơm tiêm để bơm mắm cốt vào bên trong đoạn lòng. Sau đó, dùng tay vuốt nhẹ cho dịch bên trong lòng chảy ra ngoài.

Khi sơ chế lòng non, bạn có thể sử dụng nước mắm để làm sạch chất bẩn cũng như khử mùi hôi.

Làm như vậy khoảng 2-3 lần. Sau đó, rửa lại lòng bằng nước cho sạch. Trong quá trình rửa, không nên tuốt quá kỹ khiến lòng bị dai khi nấu.

Tác giả: Thanh Huyền