Sạc pin đừng sạc đầy 100%: Đây mới là mức chuẩn, không hại máy

( PHUNUTODAY ) - Phương pháp sạc không đúng có thể làm hỏng pin, dẫn đến giảm hiệu suất của pin hoặc nghiêm trọng hơn là cháy, nổ.

Pin điện thoại sạc tới bao nhiêu phần trăm là tốt nhất để không hại pin

Trong quá trình sử dụng điện thoại di động hàng ngày, chúng ta thường gặp phải vấn đề pin điện thoại di động ngày càng bị tiêu hao nhanh hơn trước, phải cắm sạc thường xuyên hơn.

Ngoài các vấn đề có thể xảy ra do chất lượng pin, thói quen sử dụng điện thoại thì cách sạc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tuổi thọ pin điện thoại.

Phương pháp sạc không đúng có thể làm hỏng pin, dẫn đến giảm hiệu suất của pin hoặc nghiêm trọng hơn là cháy, nổ.

Sạc pin tới bao nhiêu phần trăm là tốt nhất?

Những chiếc điện thoại thông minh hiện đại chủ yếu sử dụng pin lithium-ion làm nguồn năng lượng. Loại pin này ưu điểm là mật độ năng lượng cao, tốc độ tự xả thấp.

Tuy nhiên, pin lithium-ion khi sạc quá mức, xả quá mức, sạc ở môi trường nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất và tuổi thọ của pin.

Do đó, bạn nên tránh sạc đầy pin điện thoại đến mức 100%, đặc biệt là trong môi trường nhiệt độ cao. Việc rút/cắm sạc thường xuyên, sạc ngắt quãng sẽ tốt hơn cho pin điện thoại, không sạc đầy hẳn sẽ có lợi cho pin hơn.

Theo các chuyên gia, bạn chỉ nên sạc tới 50%-80% là hợp lý nhất.

Sai lầm khi sạc pin

Thứ nhất, thói quen dùng các loại sạc không chính hãng, không tương thích với máy. Bạn nên tránh sử dụng những bộ sạc, cáp không chính hãng.

Các nhà sản xuất điện thoại di động sẽ cung cấp thiết bị sạc chính hãng vì các thiết bị này có thể cung cấp điện áp và dòng điện phù hợp với pin, từ đó bảo vệ pin khỏi bị hư hỏng.

Việc sử dụng chung các thiết bị sạc khác nhau có thể khiến điện thoại sạc quá lâu và ảnh hưởng đến tuổi thọ pin.

Thứ hai, thói quen sạc điện thoại cả đêm. Nhiều người sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ và khi pin yếu, họ thường cắm sạc để sạc qua đêm, sáng hôm sau mới rút.

Mặc dù pin của điện thoại thông minh sẽ tự động ngắt điện sau khi được sạc đầy nhưng những thao tác sạc, tắt nguồn thường xuyên như vậy vẫn có thể gây ra những hư hỏng lớn cho pin điện thoại di động.

Thứ ba, vừa dùng điện thoại vừa sạc. Đa phần mọi người có thói quen vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, hành vi này gây thiệt hại lớn cho pin điện thoại.

Khi bạn sử dụng điện thoại trong khi sạc, rất nhiều nhiệt sẽ được tạo ra do pin cần cung cấp năng lượng cho điện thoại, nhiệt độ quá cao có thể làm hỏng cấu trúc bên trong của pin và làm giảm tuổi thọ của pin.

Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng có thể làm giảm tốc độ phản ứng hóa học của pin, dẫn đến giảm khả năng lưu trữ năng lượng của pin, thậm chí có thể làm hỏng điện thoại, dễ gây cháy nổ.

Điện thoại bị nóng và nhanh hết pin xử trí thế nào?

1. Giảm độ sáng màn hình

Việc để màn hình điện thoại quá sáng không chỉ gây hại cho mắt mà còn khiến điện thoại bị nóng và tụt pin nhanh chóng. Do đó bạn hãy giảm độ sáng màn hình xuống mức vừa phải.

2. Tắt hết mọi ứng dụng chạy ngầm không cần thiết

Ứng dụng chạy ngầm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến điện thoại của bạn nóng và hao pin nhanh chóng.

Vì vậy với những ứng dụng không dùng đến bạn hãy vào “đa nhiệm” và vuốt màn hình để xóa ứng dụng ngầm ngay để giúp smartphone không bị nóng và sụt pin.

3. Ngừng quay, chụp trong thời gian dài

Liên tục sử dụng quay phim, chụp ảnh trong một thời gian dài khiến điện thoại hoạt động hết công suất dẫn đến tình trạng bị nóng và tụt pin nhanh. Vì vậy khi cần quay chụp nhiều, bạn cần lên lịch để điện thoại có thời gian nghỉ và không sử dụng quá lâu.

4. Để xa nguồn nhiệt

Điện thoại tiếp xúc trực tiếp với các nguồn nhiệt có nhiệt độ cao như ánh nắng mặt trời, lửa, bếp gas sẽ bị nóng máy. Việc nóng máy này rất dễ làm hư hỏng pin và các bộ phận khác của chiếc smartphone thậm chí phát nổ. Do đó bạn cần giữ chiếc điện thoại mình ở xa nguồn nhiệt.

5. Không vừa dùng điện thoại vừa sạc

Việc sạc pin đúng cách không chỉ giúp tuổi thọ của pin điện thoại được bền mà còn giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Trong quá trình sạc nên tháo ốp lưng để tản nhiệt tốt hơn và tuyệt đối không sử dụng điện thoại lúc sạc. Vừa sạc vừa dùng điện thoại rất dễ dẫn đến tình trạng chập, nổ rất nguy hiểm.

6. Ngừng chơi game

Các ứng dụng game thường có cấu hình lớn khiến điện thoại tiêu tốn một lưu lượng lớn RAM và pin khi khởi chạy. Do đó việc chơi game nhiều sẽ dẫn đến tình trạng nóng máy và sụt pin. Khi thấy điện thoại có dấu hiệu nóng, sụt pin bạn cần phải ngừng ngay việc chơi game để giúp máy ổn định trở lại.

7. Khởi động lại smartphone

Việc tắt máy và khởi động lại điện thoại giúp giải phóng bộ nhớ của RAM, giúp điện thoại chạy ổn định trở lại nhờ đó khắc phục được tình trạng nóng máy và tụt pin nhanh.

8. Cập nhật phiên bản hệ điều hành mới cho smartphone

Những phiên bản hệ điều hành mới không chỉ vá lỗi bảo mật mà còn tối ưu hóa hiệu suất của điện thoại. Vì vậy sẽ giúp điện thoại chạy ứng dụng tốt hơn, nhờ vậy khắc phục tình trạng điện thoại bị nóng và nhanh hết pin.

9. Tắt mạng, Bluetooth khi không cần thiết

Một trong những cách giúp khắc phục tình trạng nóng máy và nhanh chóng tụt pin đó là tắt 3G/4G/5G, Wifi và Bluetooth khi không sử dụng.

10. Loại bỏ và không tải phần mềm độc hại

Các phần mềm độc hại dễ gây nên tình trạng hỏng hóc cho máy bao gồm nóng và tụt pin nhanh. Vì vậy người dùng tuyệt đối không tải ứng dụng không rõ nguồn gốc qua các đường link, trang web không uy tín, không rõ nguồn gốc.

11. Dùng bộ sạc chính hãng

Sử dụng các bộ sạc không chất lượng khiến pin sạc lâu và nhanh hao còn điện thoại thì dễ nóng, thậm chí gây nên tình trạng nổ máy khi sạc. Bởi vậy việc mua bộ sạc chính hãng, chất lượng là rất quan trọng.

Trên đây là những biện pháp có thể dùng để khắc phục tình trạng điện thoại bị nóng và nhanh hết pin. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn.

Tác giả: Vũ Ngọc