Thông tin trên Công lý, trước đó, cháu N. lên cơn co giật nặng, mắt trợn ngược, toàn thân tím tái và gần như mất ý thức. Các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán bệnh nhi N. bị nhiễm khuẩn tiêu hoá dẫn đến mất nước cấp, rối loạn điện giải gây co giật. Ngay sau đó, cháu N. đã được xử lý truyền dịch, làm các xét nghiệm cơ bản, siêu âm tim, chụp sọ não, chọc dịch não tủy.
Từ lúc nhập viện cháu bé đã có thêm 4 lần co giật khoảng 30 giây - 1phút/ lần và các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc để cắt cơn giật. Sau 4 ngày theo dõi và điều trị đúng phác đồ, tình trạng của cháu dần ổn định.
Thông tin thêm về tình trạng của bé N., anh Hoàng Cao S. (bố cháu bé) chia sẻ: Trước khi vào viện 3 ngày, cháu bị tiêu chảy ăn uống kém và mệt nhiều, gia đình đưa cháu đến khám tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai và được bác sĩ kê đơn, trong đó có thuốc Oresol.
Tuy nhiên khi ra hiệu thuốc mua, người bán hàng nói hết thuốc Oresol và đưa thực phẩm chức năng dạng Oresol pha sẵn. Gia đình có mua về cho cháu uống.
Theo BS Đỗ Tuấn Anh - Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thực chất sản phẩm anh S. mua là thực phẩm chức năng bổ sung thành phần Oresol, hàm lượng không đủ như Oresol bác sĩ kê trong đơn.
Khi trẻ bị tiêu chảy, mất nước nhiều, nếu không được bù nước kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe doạ tính mạng. Thuốc Oresol bác sĩ kê gồm các thành phần Na, K,Cl ... khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước và điện giải đã mất, giúp trẻ phục hồi nhanh. Ví dụ 1 gói pha với 1 lít nước hoặc 1 gói pha với 200ml nước theo quy định của nhà sản xuất.
Nếu pha quá loãng hoặc quá đặc sẽ làm thay đổi áp lực thẩm thấu của Oresol khiến ruột không thể hấp thu được. Khi đó không những không có tác dụng bù mất nước mà còn khiến trẻ đi ngoài nhiều hơn và dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác.
Trường hợp cha mẹ sử dụng thực phẩm chức năng thay thế Oresol rất nguy hiểm do không đủ liều lượng, không bù đủ nước và điện giải cho trẻ, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
BS Tuấn Anh khuyến cáo, khi pha Oresol, phụ huynh cần đọc kỹ hướng dẫn cách pha, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định (pha chính xác lượng nước, không ước lượng, áng chừng).
Khi pha dung dịch với nước, phải uống hết trong vòng 24h, sau 24h nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quan trong tủ lạnh để cho trẻ uống dần, không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng. Không đun sôi dung dịch đã pha, tuyệt đối không cho thêm đường, không pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt….
Phụ huynh tuyệt đối không dùng thực phẩm chức năng dạng oresol để thay thế cho thuốc Oresol. Đặc biệt, khi thấy con có biểu hiện bất thường như uống không đủ liều Oresol, mệt mỏi, ngủ li bì khó đánh thức, môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt thì phải cho trẻ vào viện ngay. Đó là những dấu hiệu của việc mất nước nặng mà nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm cho trẻ.
Trước đó, tháng 4/2018, bệnh nhi N.T.A. bị sốt cao, đi ngoài liên tục gần 20 lần/ngày được mẹ cho đi khám tại Bệnh viện Nhi TW và được chẩn đoán tiêu chảy cấp do rotavirus.
Sau đó, các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho cháu điều trị ngoại trú đồng thời hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải cho trẻ bằng oresol và men tiêu hóa. Tuy nhiên, qua 2 ngày sử dụng thuốc, tình trạng tiêu chảy của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều.
Ngày 3/4 cháu A. được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức, li bì. Sau khi khám và làm xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán cháu bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).
Ths.BS Ngô Anh Vinh - Khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tăng natri máu là dấu hiệu của mất nước trong tế bào, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm và có thể gây teo não. Các triệu chứng thần kinh lâm sàng thường gặp gồm: mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật. Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu trong trường hợp này là do gia đình đã pha oresol không đúng cách.
Tại khoa Cấp cứu – Chống độc, bệnh nhi A. được bù dịch bằng đường tĩnh mạch và kết hợp điều trị tăng natri máu. Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ, bệnh tình của bệnh nhi đã cải thiện: Bé tỉnh táo, dấu hiệu mất nước giảm và nồng độ natri máu trở về giới hạn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, về lâu dài bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra, đánh giá lại xem có tổn thương thần kinh hay không.
Nguyên nhân bé phải nhập viện vào khoa Cấp cứu – Chống độc là do bố mẹ pha oresol không đúng cách.
Tác giả: