Các ca bệnh chủ yếu ở khu vực phía Bắc
Về diễn biến số ca mắc trong tháng 4 tăng cao đột biến so với 3 tháng trước, Giáo sư Lân cho biết để đánh giá tình hình dịch Covid-19, cần dựa trên 3 yếu tố: Thứ 1 là virus SARS-CoV-2, thứ 2 là môi trường sống, hành vi của người dân và thứ 3 là các biện pháp đáp ứng.
Với virus SARS-CoV-2, biến thể Omicron vẫn đang chiếm ưu thế trên thế giới, thống kê có thể tạo ra trên 500 biến thể phụ, đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng các ca nặng.
"Những nơi có số ca nặng tăng là do số mắc tăng tương ứng", ông Lân nói.
Với các vắc xin Covid-19, ông Lân cho biết hiệu quả của vắc xin trong phòng lây nhiễm đối với biến thể Omicron còn hạn chế, tuy nhiên vắc xin được khẳng định có hiệu quả ngăn ngừa ca nặng, nhập viện, tử vong.
Hiện nay, 90% dân số có miễn dịch do tiêm vắc xin hoặc mắc phải, điều này khiến các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không triệu chứng. Với đối tượng như người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, nguy cơ sẽ cao hơn dẫn tới nhập viện, tăng nặng, thậm chí tử vong.
Về môi trường sống, ông Lân cho biết, biến thể Omicron lây lan nhanh. Hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống, việc giao lưu đi lại sau 3 năm dịch gia tăng mạnh. Điều này tương tự ở Việt Nam. Thêm vào đó, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan đã tiêm vắc xin, nên không thực hiện biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn.
"Số ca bệnh ở khu vực phía Bắc chiếm ưu thế, do yếu tố giao mùa thời tiết", ông Lân nói.
Có cần tiêm vắc xin nhắc lại?
Trả lời vấn đề miễn dịch với virus SARS-CoV-2 suy giảm, có cần tiêm lại vắc xin phòng Covid-19 không? Chuyên gia Đỗ Văn Dũng cho rằng người dân nếu đã tiêm chủng đủ vắc xin vẫn đủ miễn dịch bảo vệ tránh nguy cơ biến chứng nặng. Vì vậy, theo vị chuyên gia này không phải tất cả mọi người, kể cả trẻ em, đều phải tiêm nhắc lại vắc xin.
PGS Dũng khẳng định trẻ em khi đi học tại trường có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng đa phần triệu chứng nhẹ, thậm chí không bằng cúm mùa. Do đó, học sinh không cần phải tiêm bổ sung thêm vắc xin.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, các quốc gia khác chỉ khuyến cáo người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và người có bệnh nền cần tiêm phòng vắc xin Covid-19 nhắc lại hàng năm để tăng cường miễn dịch. Họ không khuyến cáo cho các đối tượng khác phải tiêm nhắc lại.
Bác sĩ Vũ Minh Điền cũng cho rằng việc tiêm lại vắc xin cho toàn bộ người dân là không cần thiết. Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới chỉ khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng có bệnh nền. Người khỏe mạnh bình thường không cần phải tiêm nhắc lại hàng năm.
Sau phiên họp từ ngày 20 đến 23/3, căn cứ vào mức độ miễn dịch cộng đồng đã đạt được khá cao trong dân số (do nhiễm bệnh và tiêm chủng) cũng như bức tranh tình hình dịch bệnh hiện tại do biến thể Omicron gây ra, Hội đồng chuyên gia tư vấn về chiến lược tiêm chủng của WHO đã ra khuyến nghị điều chỉnh lộ trình ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19. Cụ thể:
Nhóm ưu tiên cao: Tất cả những người lớn tuổi; những người trẻ tuổi mắc các bệnh nền nghiêm trọng (ví dụ: bệnh tiểu đường và bệnh tim); những người có tình trạng suy giảm miễn dịch (ví dụ: người nhiễm HIV, người được ghép tạng), bao gồm cả trẻ em đến 6 tháng tuổi; người mang thai; và nhân viên y tế tuyến đầu.
Đối với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, mặc dù tỷ lệ chung là thấp nhưng gánh nặng do mắc Covid-19 nặng vẫn cao hơn so với nhóm trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, do đó cần tiêm cho nhóm này.
Đối với phụ nữ mang thai, việc tiêm phòng bao gồm cả liều bổ sung nếu đã hơn 6 tháng trôi qua kể từ liều cuối cùng sẽ giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi, đồng thời giúp giảm khả năng trẻ sơ sinh phải nhập viện.
Đối với nhóm ưu tiên cao, cần tiêm nhắc lại sau 6 hoặc 12 tháng kể từ liều cuối cùng, với khoảng cách thời gian tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng suy giảm miễn dịch.
Nhóm ưu tiên trung bình: Bao gồm người lớn khỏe mạnh dưới 50-60 tuổi, không có bệnh đi kèm và nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có bệnh đi kèm.
Cơ quan này đề xuất tiêm vắc xin đủ liều cơ bản và thêm 1 liều nhắc lại. Mặc dù việc tiêm nhắc những liều tiếp theo cho nhóm này là an toàn, nhưng không khuyến nghị sử dụng thường quy do lợi ích mang đến cho sức khỏe cộng đồng tương đối thấp.
Nhóm ưu tiên thấp: bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh từ 6 tháng đến 17 tuổi. Tiêm liều cơ bản và liều tăng cường là an toàn và hiệu quả cho nhóm này.
Tuy nhiên, xét đến gánh nặng bệnh tật do Covid-19 trong nhóm này thấp, cơ quan này kêu gọi các quốc gia đang xem xét tiêm chủng cho nhóm tuổi này nên đưa ra cân nhắc dựa trên các yếu tố khác như gánh nặng bệnh tật, hiệu quả - chi phí và các ưu tiên khác của các chương trình sức khỏe khác.
WHO nhấn mạnh tác động đối với sức khỏe cộng đồng của việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh là tương đối thấp hơn nhiều so với lợi ích mang lại của các loại vắc xin thiết yếu truyền thống dành cho trẻ em - chẳng hạn như các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, rotavirus, phế cầu khuẩn liên hợp...
Tác giả: Vũ Ngọc
-
3 đối tượng tạm dừng nhận tiền trợ cấp xã hội hàng tháng là ai?
-
Vinamilk đồng hành cùng VTV thực hiện chương trình đặc biệt “Việt Nam Vui Khoẻ”
-
Bố mẹ bán đất sổ đỏ có cần chữ ký của các con không?
-
Khi nào mưa phùn, nồm ẩm ở miền Bắc kết thúc?
-
NĂM 2023: Trường hợp viên chức, người lao động được vào biên chế suốt đời